Hành, tỏi đang là cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương tại Hải Dương. Tại phường Thất Hùng, thị xã Kinh Môn, gần 100% các hộ nông dân ở đây đều trồng tỏi và đây là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con nông dân. Theo anh Tuyến, một người dân ở phường Thất Hùng, nếu không cần rơm để che phủ cho hành, tỏi thì nhiều người sẽ không trồng lúa, bởi trồng lúa, sau khi trừ chi phí hầu như không còn lãi; trong khi đó, trồng tỏi như vụ năm 2022 một sào tỏi cho thu nhập 13-15 triệu đồng nếu bán tươi ngay sau khi thu hoạch và cho thu nhập 20-25 triệu nếu để bán ở thời điểm này. Tuy vậy, giá hành, tỏi không phải năm nào cũng cao như năm nay. Anh Tuyến cho biết, vào những năm mưa nhiều, hành, tỏi bị úng ngập, chết nhiều, sản lượng tỏi thu hoạch thấp thì giá cao; những năm nhà nhà đều được mùa thì giá thấp. Có thể nói rằng cây hành, tỏi đang mang lại thu nhập rất lớn cho nhiều vùng nông thôn tại Hải Dương, điều này có thể thúc đẩy diện tích trồng tỏi tăng lên trong thời gian tới. Nếu không khai thác hết được tiềm năng hay nhu cầu đối với hành, tỏi, thì giá trị của cây trồng này có thể giảm đi.

Cây hành, tỏi được trồng vào vụ thu đông, sau khi cấy lúa, toàn bộ diện tích trồng lúa tại Thất Hùng được chuyển sang trồng hành, tỏi. Thời điểm thu hoạch tỏi vào khoảng tháng 2 âm lịch. Khoảng 50% lượng tỏi thu hoạch được bán ngay cho thương lái tại bờ, 50% được mang về để sử dụng làm giống và bán dần vào thời điểm có giá tốt trong năm trong năm. 

leftcenterrightdel
 Lô hành, tỏi giống của hộ gia đình anh Vũ Trung Tuyến, KDC Phượng Hoàng, phường Thất Hùng, TX. Kinh Môn, Hải Dương.

 

Hành, tỏi giống cần được bảo quản khoảng 7 tháng từ sau khi thu hoạch đến vụ trồng sau (khoảng tháng 8 âm lịch). Để bảo quản hành, tỏi, người dân cần phun thuốc sâu để ngăn chặn sự phát triển của côn trùng làm lép hỏng hành, tỏi giống. Cách bảo quản hành, tỏi giống truyền thống là hành, tỏi sau khi thu hoạch, cắt lá, được buộc thành túm rồi treo trên các giàn ở chỗ thoáng gió và có độ ẩm thấp để làm khô vỏ và bảo quản (nhiều hộ gia đình thường để hành tỏi giống trên sân thượng để bảo quản). Theo cách này, hành, tói luôn được giữ ở trạng thái khô do điều kiện thông thoáng ở nơi bảo quản. Hiện tượng hư hỏng hành, tỏi giống bảo quản nhiều nhất là do côn trùng phát triển, ăn hại làm nhân bị lép. Ngoài ra, hành tỏi, bảo quản còn bị mốc, thối nhũn do vi sinh vật. Một số nông dân cũng bảo quản tỏi bán theo cách tương tự; mặc dù đảm bảo thời gian cách ly của thuốc sâu và hành, tỏi còn có lớp vỏ sẽ bóc đi khi sử dụng. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm độc vào thực phẩm trong quá trình chế biến và thuốc sâu là danh mục hóa chất không được sử dụng cho bảo quản thực phẩm. Cách bảo quản này nếu được sử dụng lâu dài hoặc xảy ra vấn đề mất an toàn thực phẩm liên quan sẽ dẫn tới tâm lý nghi ngại của người tiêu dùng đối với sản phẩm hành, tỏi nói chung, làm ảnh hưởng tới sinh kế lâu dài của nhiều hộ nông dân. Thiết nghĩ, cần có biện pháp bảo quản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp bà con nông dân trồng hành, tỏi ở Hải Dương nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung thay thế cách bảo quản truyền thống đang sử dụng.

Theo các nghiên cứu, trong hành tây, một cây cùng thuộc chi hành, có thành phần giàu về đường, vitamin A, B, C, muối khoáng, Na, K, P, Ca, Fe, S, Si, H3PO4, acid acetic, disulfur allyl và propyl, dầu bay hơi, glucokinin, oxydase và diastase. Các nghiên cứu cho thấy nước ép lá tươi và thành phần bay hơi của cây (tinh dầu hành) có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với Streptococcus hemolyticus, Salmonella tryphi, Shigella flexneri, Shigella shiga, Coli bethesda, Bacillus subtilis. Hoạt chất odorin có tác dụng ức chế mạnh Staphyllococcus aureus. Theo kinh nghiệm y học cổ truyền của nhiều nước, hành tây được dùng điều trị lỵ, vết loét, vết thương, sẹo, hen, làm thuốc lợi tiểu, và thuốc hỗ trợ bệnh đái tháo đường... Nhìn chung hành, tỏi có chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất kháng sinh và các vitamin có nhiều tiềm năng ứng dụng trong y dược và chăm sóc sức khỏe. Nước ép hành, tỏi có thể được sử dụng để làm thuốc chữa viêm họng, ho, làm đẹp da, giúp tăng cường sức khỏe cơ thể, khả năng chống oxy hóa, đào thải chất độc... Nếu các ứng dụng này được phát triển và phổ biến sẽ giúp cho nhu cầu tiêu thụ hành, tỏi tăng mạnh, giúp giải quyết bài toán được mùa mất giá đối với cây hành, tỏi đặc biệt là khi diện tích hành, tỏi được mở rộng. Hiện tại, hành, tỏi chủ yếu được sử dụng ở dạng củ tươi hoặc được chiên để sử dụng làm gia vị; để đa dạng hóa sản phẩm và phát triển được các ứng dụng tiềm năng của hành, tỏi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm đẹp qua đó giúp tăng nhu cầu tiêu thụ hành tỏi là yếu tố cần thiết để gia tăng giá trị của cây hành, tỏi, tạo điều kiện mở rộng diện tích, tăng nguồn thu cho bà con nông dân ở Hải Dương nói riêng và các vùng nông nghiệp trong cả nước nói chung.

Công ty TNHH MTV Phương Khiêm là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Từ năm 2019 doanh nghiệp này đã chế biến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ tỏi như rượu tỏi, mật tỏi và liên kết với Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT – Doanh nghiệp sở hữu hệ thống nhà thuốc Long Châu để phát triển các sản phẩm cao tỏi, viên C tỏi. Các sản phẩm chế biến như vậy nếu có thể phát triển mạnh sẽ tạo thêm đầu ra cho sản phẩm hành tỏi của địa phương. Với nỗ lực tạo ra một sản phẩm sạch, an toàn và phòng tránh nguy cơ nhiễm độc vào sản phẩm, Công ty Phương Khiêm đã mua tỏi tươi của bà con nông dân và bảo quản tỏi nguyên liệu cho sản xuất trong kho theo cách không sử dụng thuốc sâu, Tuy nhiên tỏi nguyên liệu của công ty bị hư hỏng nhanh. Theo ông Trần Đình Khiêm, giám đốc doanh nghiệp, có năm công ty phải đổ đi tới 30 tấn tỏi do bị thối, lép trong quá trình bảo quản. Có thể thấy rằng, một phương pháp bảo quản hành, tỏi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhu cầu bức thiết không chỉ với bà con nông dân mà cả với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến có sử dụng các nguyên liệu này.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh một số sản phẩm của Công ty TNHH MTV Phương Khiêm tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
  

Ngô Duy Sạ

Tài liệu tham khảo:

1.      Roldan E, Sanchez-Moreno C, de Ancos B, Cano MP. Characterization of onion (Allium cepa L.) by-products as food ingredients with antioxidant and antibrowning properties. Food Chem. 2008;108:907-16.

2.      Borah P, Banik BK. Diverse Therapeutic Applications of Onion. Arch Pharmacol Ther. 2018; 1(1):14-16.

 

Ngô Duy Sạ - Khoa Công nghệ thực phẩm