Từ ngày 4-6/6/2022, nhóm nghiên cứu ngô của Viện Nghiên cứu Phát triển cây trồng, đồng thời là thành viên nhóm Nghiên cứu mạnh Cây màu đã tổ chức các Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả trình diễn giống ngô lai VNUA36 trồng trong vụ Xuân 2022 tại Phú Thọ, Ninh Bình và Thanh Hóa. Các mô hình trình diễn giống ngô lai VNUA36 thương phẩm là sản phẩm thuộc dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình và phát triển sản xuất giống lúa DCG66 giống ngô lai VNUA36 tại phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ ” do ThS. Vũ Thị Bích Hạnh làm chủ nhiệm dự án.
Tham gia đoàn kiểm tra và dự Hội nghị đánh giá các điểm trình diễn ngô thương phẩm VNUA36 gồm có đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Tiến sĩ Trần Thanh Bình, chuyên viên cao cấp; đại diện cơ quan tác giả - Tiến sĩ Nguyễn Văn Mười, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng; Đại diện chính quyền ban ngành địa phương tại Ninh Bình và Thanh Hóa gồm có ông Lê Bá Khương- Phó phòng Nông nghiệp huyện Triệu Sơn, ông Vũ Khắc Hiệp- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thọ Phú, Triệu Sơn, Thanh Hóa; ông Nguyễn Hoàng Tuấn- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình, ông Phan Long- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bằng Giã, Hạ Hòa, Phú Thọ; các cán bộ phòng Nông nghiệp và toàn thể bà con nông dân tham gia trồng giống ngô VNUA36, các nông hộ quan tâm đến giống ngô lai mới. Đoàn kiểm tra cùng với toàn thể Hội nghị đã tiến hành thăm quan, đánh giá mô hình trồng giống ngô VNUA36 trên cánh đồng thôn Đồi Thờ, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; mô hình trên cánh đồng màu thuộc thôn 6, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và mô hình canh tác ngô trên khu vực đất bãi bồi ven sông Thao thuộc xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Mỗi điểm trình diễn có quy mô diện tích trên 5ha và được gieo trồng trong vụ Xuân từ ngày 10 đến ngày 25 tháng 2 năm 2022.
Giống ngô lai VNUA36 được công nhận sản xuất thử cuối năm 2018 và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án sản xuất thử nghiệm năm 2021 cùng với giống lúa DCG66. Ngày 13/5/2022, giống được công nhận lưu hành cho các vùng trồng ngô phía Bắc theo quyết định số 102/QĐ-TT-CLT của Cục Trồng trọt. Tại Hội nghị đầu bờ, giống ngô VNUA 36 được đánh giá là giống ngô lai có khả năng thích ứng rộng cho các vùng sinh thái khác nhau: miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh bắc Trung bộ.
|
|
Kiểm tra, đánh giá các điểm trình diễn giống ngô lai VNUA36 tại Ninh Bình và Thanh Hóa |
Theo báo cáo kết quả xây dựng mô hình canh tác ngô VNUA36, ông Nguyễn Viết Hoạt-Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn nhận xét: giống ngô lai VNUA36 có nhiều ưu điểm: dễ canh tác, khả năng sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt và năng suất cao. Giai đoạn đầu, cây ngô con mọc nhanh, mọc khỏe ngay cả trong điều kiện thời tiết lạnh, khô hạn. Giống ngô này ít nhiễm sâu bệnh, ruộng ngô không bị đổ khi thời tiết mưa gió to vào cuối vụ. Với mật độ trồng từ 3.300-3.500 cây/sào Trung bộ, chúng tôi ước thu từ 3,7-4,0 tạ ngô hạt/sào trong vụ Xuân này.
|
|
Hình ảnh giống ngô lai VNUA36 thương phẩm có thể trồng sản xuất lấy hạt và làm thức ăn thô xanh trong chăn nuôi gia súc tại Thanh Hóa |
Cây ngô vào giai đoạn chín sáp nhưng toàn bộ thân lá ngô vẫn xanh bền, cao cây từ 2,7 đến xấp xỉ 3m. Khối lượng toàn bộ thân lá bắp của một cây ngô vừa được cân thử tại ruộng mô hình đạt từ 1,3-1,5kg. Như vậy nếu trồng dày hơn để làm thức ăn xanh nuôi bò sữa, năng suất sinh khối có thể đạt 57-60 tấn/ha.
|
|
Các phát biểu của cán bộ địa phương, nông hộ trồng ngô, cơ quan quản lý và cơ quan tác giả tại Hội nghị đầu bờ được tổ chức ở Thanh Hóa |
Tại Hội nghị, ông Lê Bá Khương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Triệu Sơn phát biểu ý kiến cho rằng Thanh Hóa có diện tích trồng ngô khá lớn và quy hoạch thành vùng chuyên canh. Huyện Triệu Sơn đã lần thứ hai tiếp nhận và thử nghiệm giống ngô của Học viện Nông nghiệp Việt Nam chọn tạo, giống ngô lai VNUA36, sau giống ngô nếp lai VNUA69 năm 2020. Ông đánh giá cao tiềm năng năng suất hạt của giống ngô lai VNUA36; đồng thời rất quan tâm đến khả năng tăng mật độ trồng giống ngô này hơn cho mục đích làm thức ăn thô xanh tại Triệu Sơn trong thời gian tới. Thăm quan trực tiếp tại mô hình, ông nhận thấy đây là giống ngô rất có triển vọng phát triển theo hướng sản xuất ngô sinh khối tại địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thanh Bình, chuyên viên cao cấp của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, các sản phẩm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp như giống và tiến bộ khoa học kỹ thuật mới luôn được Bộ hỗ trợ và tạo điều kiện mở rộng sản xuất tiến tới phục vụ xã hội. Hiện nay có rất nhiều giống cây trồng mới, trong đó có giống ngô, được chọn tạo trong nước nhưng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các giống cũ như giống ngô lai VNUA36 hay QT55. Bà con nông dân có nhiều lựa chọn hơn về giống để phát triển sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình và địa phương.
Đại diện cơ quan tác giả, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng cho rằng sự đón nhận của nông dân và doanh nghiệp giống tại các địa phương đối với sản phẩm khoa học công nghệ của Viện (bao gồm các giống ngô, lúa) sẽ là động lực để đơn vị cố gắng nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm hoàn thiện hơn phục vụ xã hội. Viện đã và đang khảo nghiệm một số giống ngô mới trong đó có VNUA36 để quy hoạch làm giống ngô sinh khối cho chăn nuôi bò sữa tại các doanh nghiệp lớn.
|
|
Hình ảnh kết thúc Hội nghị đầu bờ giống ngô lai VNUA36 |
Nhóm nghiên cứu mạnh Cây màu