\r\n Lúa Nếp cẩm (còn gọi là nếp than) là nguồn gen lúa nếp địa phương có phẩm chất gạo tốt, chất lượng cao, được trồng chủ yếu ở Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; rải rác ở Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa...

\r\n

\r\n Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã thành công với đề tài “Nghiên cứu phát triển các giống lúa nếp cẩm đặc sản, năng suất, chất lượng tốt gieo cấy được hai vụ trong năm tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam” thực hiện từ năm 2013 – 2014.

\r\n

\r\n Trong quá trình nghiên cứu, đã sưu tầm, chọn lọc, phục tráng và xây dựng quy trình thâm canh lúa nếp cẩm ĐH6 để nhân rộng ra sản xuất.

\r\n

\r\n Nguồn gốc, đặc điểm thực vật Nếp cẩm ĐH6 được chọn lọc và làm thuần từ giống nếp cẩm Căm pẹ thu thập ở Thanh Hóa. Thời gian sinh trưởng của giống nếp cẩm ĐH6 thuộc nhóm ngắn ngày: vụ Xuân từ 127-142 ngày, vụ Mùa từ 105-115 ngày; gieo vào vụ Mùa sớm, Xuân chính vụ, phù hợp gieo cấy trên các chân đất có kết cấu đất tốt. Cây cao từ 98-115 cm, cứng cây, chống đổ tốt, chịu thâm canh, đẻ nhánh tập trung, bộ lá màu tím hoặc xanh đậm, tỷ lệ hạt chắc cao. Năng suất ổn định 35-40 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 50 tạ/ha. Hạt gạo đen tuyền, mềm, thon, nội nhũ đa phần có sắc tố đen, chất lượng gạo ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng amylose thấp 3,79%, cơm dẻo và thơm. So với các loại gạo khác thì hàm lượng protein trong gạo ĐH6 cao hơn 6,8%, chất béo cao 20%, ngoài ra còn có caroten, 8 loại axit amin... ĐH6 được bán với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với các giống lúa gạo và cây trồng khác.

\r\n

\r\n ĐH6 có phổ thích ứng rộng, có thể gieo, cấy (tuổi mạ 15-18 ngày) được cả 2 vụ/năm ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Giống được gieo cấy và cho kết quả tốt ở các tỉnh: Điện Biên, Hà Giang, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa. Giống cũng được gieo cấy trong tỉnh Sóc Trăng và có khả năng thích nghi được ở cả vụ Đông xuân và Hè thu.

\r\n

\r\n Lượng giống gieo mạ để cấy cần 1,8-2,3 kg/sào Bắc bộ, cấy 3-4 dảnh/1 khóm, 40-45 khóm/m2. Gieo vãi cần 1,7-2 kg/sào Bắc bộ.

\r\n

\r\n Lượng phân (tính cho 1 sào Bắc bộ): 300-400 kg phân chuồng + 5-7 kg urê + 20 kg lân + 4-5 kg kali.

\r\n

\r\n Một vài chỉ dẫn chăm sóc ĐH6:

\r\n

\r\n - Cách bón phân: Bón sớm, bón tập trung, có thể dùng NPK tổng hợp hoặc phân đơn. Bón lót khi toàn bộ phân chuồng, phân lân + 30% urê + 30% phân kali làm đất. Bón thúc lần 1 sau cấy 10-15 ngày với lượng phân 50% urê + 20% kali. Bón thúc lần 2 (đón đòng) khi lúa đứng cái với lượng phân còn lại (20% urê + 50% kali).

\r\n

\r\n - Điều tiết nước trong ruộng lúa: Chú ý rút nước giai đoạn sau đẻ nhánh tối đa và sau khi lúa chín sáp để lúa tăng độ cứng cây, giảm hiện tượng nứt hạt do dư thừa dinh dưỡng hoặc thừa nước.

\r\n

\r\n - Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi và phong trừ sâu bệnh theo dự tính dự báo của Trạm BVTV địa phương như các giống lúa khác, khuyến cáo phòng trừ sâu bệnh theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Chú ý phòng trừ sâu đục thân và rầy nâu từ lúc bắt đầu trỗ. Thu hoạch và bảo quản làm khô lúa còn 20% độ ẩm trong vòng 48 giờ sau thu hoạch nhằm hạn chế việc giảm chất lượng và phẩm cấp của gạo. Sau đó tiếp tục phơi hoặc sấy khô lúa còn 13-14% thủy phần có thể giúp bảo quản được từ 2-3 tháng, 12-12,5% thủy phần bảo quản được trên 3 tháng. Để không ảnh hưởng đến hàm lượng anthocyanin và B1 trong màng vỏ gạo, lúa sau khi được phơi khô, quạt sạch được đưa vào chế biến thành gạo lức thương phẩm, sử dụng máy xát gạo với loại lô cao su mềm. Gạo lức được đóng túi hút chân không chuyên dụng, hàn kín miệng để kéo dài thời gian bảo quản và sử dụng

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n Giống Nếp cẩm mới ĐH6

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n Hạt gạo nếp cẩm ĐH6

\r\n