Cây diêm mạch (Quinoa) có nguồn gốc và thích hợp với điều kiện sản xuất tại vùng núi cao, khô và lạnh tại Nam Mỹ. Do nhu cầu của thị trường về sản lượng diêm mạch ngày càng cao, việc nghiên cứu và phát triển cây diêm mạch thích ứng với điều kiện bất thuận tại các vùng đất thấp, vùng nhiệt đới nóng ẩm, khô hạn và đất mặn đã được triển khai mạnh mẽ trên thế giới từ năm 2013. Hiện nay, diêm mạch đã được trồng thương mại tại nhiều nước tại châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, châu Á, Trung Đông, một số nước láng giềng của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đã bắt đầu sản xuất diêm mạch thương mại.
Trong khuôn khổ Nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển cây diêm mạch (Chenopodium quinoa Wild.) tại một số vùng sinh thái phù hợp ở Việt Nam” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam hợp tác với ĐH Buenos Aires Argentina thực hiện, ngày 18/9/2019, Giáo sư Daniel Bertero và nhóm nghiên cứu của Học viện đã trình bày kết quả hợp tác nghiên cứu “Phản ứng của các giống diêm mạch và dòng hoang dại với nhiệt độ cao và đất nhiễm mặn” tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tham dự buổi thảo luận khoa học có giáo sư Max Pfeffer - Trưởng khoa Nông học, giáo sư Ronnie Coffman, nhà tạo Giống– Giám đốc chương trình quốc tế Đại học Cornell Hoa Kỳ, các nhà khoa học của các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu và các bộ môn thuộc Khoa Nông học.
Giáo sư Bertero ĐH Buenos Aires trình bày báo cáo về chọn tạo giống chống chịu với nhiệt độ cao và chịu mặn
Tại buổi seminar, Ggiáo sư Bertero đã khái quát những thông tin chung về tình hình sản xuất diêm mạch trên thế giới. Với giá trị dinh dưỡng rất cao cùng với khả năng chống chịu lại điều kiện thời tiết khắc nghiệt (chịu mặn, chịu hạn, chịu nhiệt), diêm mạch được Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc FAO đánh giá là “cây lương thực vàng”, là giải pháp hàng đầu trong công cuộc đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai. Diêm mạch đã được sản xuất thương mại tại nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Indonesia, Phillipine,... Tại Việt Nam, diêm mạch cũng đã được nghiên cứu và trồng thử nghiệm tại nhiều vùng với các điều kiện thời tiết khác nhau. Các đợt trồng thử nghiệm đã cho ra những kết quả tương đối khả quan, cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể đưa diêm mạch vào sản xuất thương mại trong thời gian tới.
GS Bertero thảo luận về phương pháp nghiên cứu tạo giống diêm mạch chống chịu với điều kiện bất thuận
Các nhà nghiên cứu và khách mời đánh giá cao những nghiên cứu công phu và quy mô của nhóm nghiên cứu, đặc biệt là phương pháp lựa chọn mẫu, cách giả thuyết nghiên cứu, các phương pháp đánh giá phản ứng của cây diêm mạch với điều kiện bất thuận của nhóm nghiên cứu.
Buổi trao đổi khó học của Giáo sư Bertero cho thấy tiềm năng to lớn của loài cây này trong thực tiễn sản xuất và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, các nhóm cũng xác định được các lĩnh vực hợp tác nghiên cứu trong tương lai. Buổi trao đổi khoa học cũng góp phần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với ĐH Buenos Aires và ĐH Cornell Hoa Kỳ.