Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng địa phương xây dựng kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy

 Khảo sát điều tra tại Công ty

TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát

Năm 2020, dự án “Điều tra và đề xuất giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” được thực hiện theo Quyết định số 117/QĐ-UBND đã được triển khai và thực hiện bởi các giảng viên và nghiên cứu viên thuộc khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là dự án quan trọng hỗ trợ UBND tỉnh thực hiện thành công kế hoạch số 196/KH-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành ngày 18/6/2019 về thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn đến năm 2025. Dự án được thực hiện nhằm đánh giá tổng thể hiện trạng phát sinh và quản lý, xử lý sản phẩm nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy trên địa bàn tỉnh đồng thời phân tích hiện trạng nhận thức, thái độ, hành vi của các bên liên quan.

Chất thải nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy trên địa bàn có lượng phát sinh lớn nhưng tỷ lệ thu hồi, tái chế thấp

leftcenterrightdel
 

Kết quả khảo sát điều tra cho thấy, thành phần rác thải nhựa một lần phát sinh trên địa bàn chủ yếu là túi nilon, chai nhựa đựng nước, hóa, mỹ phẩm, cốc nhựa, thìa nhựa và ống hút. Các loại rác thải này chiếm 73% trọng lượng chất thải nhựa một lần phát sinh trong các hộ gia đình. Ngoài ra một số loại rác khác có chứa thành phần nhựa khó phân hủy cũng chiếm tỷ lệ khá lớn, 7% trong tỷ trọng thành phần các loại rác thải nhựa một lần. Với hệ số phát sinh 17,14 kg/người/năm, nghiên cứu ước tính lượng rác thải nhựa một lần phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh theo dân số là 24,3 nghìn tấn. Xét về tải lượng theo diện tích tự nhiên, lượng phát sinh này là 318,6 kg/ha. Tuy tỷ lệ chất thải nhựa có thể thu hồi, quay vòng khá lớn nhưng hiện tại, chỉ có 14% lượng chất thải này đang được các hộ gia đình phân loại và bán cho các bên thu gom, một phần nhỏ được tái sử dụng cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất khác nhau. Hơn 80% lượng chất thải còn lại được thu gom và xử lý chung với rác hữu cơ tại các lò đốt, các bãi chôn lấp hoặc đốt bỏ tại các bãi rác tự phát. Hiện trạng quản lý và xử lý này không chỉ gây ra sự lãng phí mà còn có nhiều tác động tiêu cực tới môi trường sống và sản xuất của người dân địa phương. Kết quả phân tích hiện trạng nhận thức, thái độ, hành vi của các đối tượng phỏng vấn cho thấy, đa số hộ gia đình đều lo lắng tới tác động của rác thải nhựa tới môi trường, sức khỏe và thể hiện sự đồng tình với các giải pháp đang được khuyến cáo. Tuy vậy, kết quả điều tra cũng cho thấy, hiểu biết về rác thải nhựa và các tác động của rác thải nhựa một lần của người dân trên địa bàn chưa cao. Đặc biệt, việc thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rác thải nhựa trong tiêu dùng và trao đổi hàng hóa còn rất hạn chế.

Giải pháp tổng thể nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025

Hiện trạng phát sinh và quản lý chất thải nhựa một lần trên địa bàn cho thấy, giảm thiểu chất thải nhựa một lần trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ cần thiết, vừa góp phần giảm áp lực cho địa phương trong công tác quản lý chất thải sinh hoạt, cải thiện môi trường sống, vừa góp phần hỗ thực hiện mục tiêu Quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ này cần có một hệ thống các giải pháp hoàn chỉnh trong toàn bộ vòng đời của nhựa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, thu gom, xử lý và quay vòng thu hồi sản phẩm. Trên cơ sở phân tích các biện pháp và chính sách đã và đang được thực thi của tỉnh cùng với các kết quả nghiên cứu khoa học và văn bản pháp lý có liên quan, năm nhóm giải pháp chiến lược đã được nhóm chuyên gia tư vấn đề xuất gồm: (1) Nhóm giải pháp thị trường; (2) Nhóm giải pháp hỗ trợ; (3) Nhóm giải pháp về chính sách qui định, ràng buộc; (4) Nhóm giải pháp về công nghệ; (5) Nhóm giải pháp về giáo dục, truyền thông. Các giải pháp được khuyến nghị thực hiện theo từng mục tiêu tổng thể trong kế hoạch gồm: (1) Giảm thiểu sản xuất đồ nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy; (2) Giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ đồ nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy; (3) Thu gom và phân loại triệt để chất thải nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy; (4) Quay vòng và thu hồi tối đa rác thải nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy có thể thu hồi, tái chế; (5) Xử lý an toàn phần chất thải còn lại. Thông tin chi tiết về khung giải pháp hành động tổng thể nhằm giảm thiểu chất chất thải nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được trình bày trong báo cáo tổng kết dự án.

Khoa Tài nguyên và Môi trường