Giải thưởng mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ 19-Sophia Kovalevskaia (1850-1891). Bà là người phụ nữ đầu tiên trong kỷ nguyên cận đại được nhận bằng tiến sĩ toán học, được phong hàm giáo sư đại học và được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học đế chế Nga, là nhà nữ toán học vĩ đại nhất trước thế kỷ 20. Quỹ Sophia Kovalevskaia được thành lập do sáng kiến và sự đóng góp về tài chính của bà giáo sư, tiến sĩ Ann Koblitz (người Mỹ) và chồng bà giáo sư, tiến sĩ Neal Koblitz. Bà đã từng sang Liên Xô (cũ) học tập, làm luận án tiến sĩ về nhà toán học Nga Kovalevskaia. Luận án của Bà đã được đánh giá cao và đã được in thành sách. Bà đã quyết định dùng số tiền nhuận bút của cuốn sách này và vận động thêm sự ủng hộ của một số nhà khoa học ở Mỹ để lập ra Quỹ Sophia Kovalevskaia. Mục đích của Quỹ là động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở các nước đang phát triển dưới hình thức trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc.
Từ năm 1985, ông bà Koblitz đã chọn các nhà khoa học nữ Việt Nam về lĩnh vực khoa học tự nhiên làm đối tượng để xét và trao giải thưởng Kovalevskaia. Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban Giải thưởng Kovalevskaia trao giải thưởng cho một cá nhân và một tập thể nữ xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên. Giải thưởng Kovalevskaia bắt đầu từ năm 1985 và trở thành giải thưởng cấp quốc gia có uy tín dành cho các nhà khoa học nữ.
Từ năm 1985 đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã vinh dự có 2 nhà khoa học được nhận giải thưởng cao quý trên là PGS.TS. Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm và PGS.TS. Tạ Thị Thu Cúc.
Sáng 6/3/2018, Trung ương hội Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải thưởng Kovalevkaia năm 2017 và giao lưu giữa các nhà khoa học nữ với nữ sinh, tới dự lễ trao giải thưởng Kovalevskaia có Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch UBGT Kovalevskaia Nguyễn Thị Doan, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tham gia lễ trao giải và tọa đàm năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt nam có sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc và 50 nữ sinh viên suất sắc của Học viện.
Giải thưởng năm 2017 được trao cho 2 cá nhân đạt giải Kovalevskaia là PGS.TS. Bác sỹ Trần Vân Khánh (sinh năm 1973, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, khoa Kỹ thuật Y học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Trường ĐH Y Hà Nội) và PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân (sinh năm 1960, Viện Công nghệ Sinh học, ĐH Huế).
Bên cạnh việc tổ chức trao giải thưởng hàng năm, Quỹ Giải thưởng Kovalevkaia còn tổ chức các cuộc giao lưu giữa các nhà khoa học nữ được nhận Giải thưởng Kovalevskaia và các nữ sinh viên xuất sắc các ngành khoa học tự nhiên của các trường Đại học và từ năm 2016 hàng năm Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia trao học bổng và hỗ trợ cho các nghiên cứu của sinh viên.
Tại lễ trao giải Kovalevkaia năm 2017, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vinh dự có 02 công trình được Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học là “Nghiên cứu nấm Selerotium cepivorum gây bệnh thối hạch hại hành và biện pháp phòng trừ bệnh bằng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma spp” của sinh viên Lã Thị Mai Lan – Lớp Bảo vệ thực vật A Khóa 60, và công trình “Xây dựng vector biểu hiện của protein màng ngoài của Candidatus Liberibactor Asiaticus gây bệnh Hanglongbinh (HLB) của sinh viên Vũ Anh Phương – lớp Khoa học cây trồng tiên tiến khóa 60.
Trong phần giao lưu với các nhà khoa học nữ, các nhà quản lý, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện sự hiểu biết và quan tâm nhất định đến sự phát triển của đất nước, đến hoạt động nghiên cứu khoa học của nước nhà. Nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách đối với khoa học công nghệ nước nhà như khởi nghiệp, người người khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp, thanh niên khởi nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp, công nghiệp hóa và nền Công nghiệp 4.0…
Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những câu hỏi, những vấn đề mà các sinh viên nông nghiệp nêu ra. Phó thủ tướng tin tưởng rằng các em sẽ thành công và tin rằng để theo đuổi được đam mê khoa học, khởi nghiệp sáng tạo, mỗi bạn sinh viên phải luôn chịu khó, cố gắng vượt bậc trong học tập, nghiên cứu; dám nghĩ, dám làm và vượt qua khuôn khổ bình thường, ủng hộ mọi người khi có suy nghĩ, cách làm khác biệt: sẵn sàng đón nhận, chấp nhận thất bại – bạn sẽ thành công.