Cây sen (Nelumbo nucifera Gaertn.) thuộc chi Nelumbo Adans, họ sen Nelumbonaceae, bộ sen - Nelumbonales, phân lớp Mộc lan - Magnoliales, lớp hai lá mầm -Dicotyledonae, ngành thực vật hạt kín - Angiospermea (Phạm Văn Duệ, 2005).

Cây sen là loại cây thủy sinh được con người trồng và sử dụng từ rất lâu đời trên thế giới và Việt Nam. Ở Việt Nam, sen được trồng phổ biến ở nhiều làng quê trong các ao, hồ, đồng ruộng, thậm chí có thể sinh trưởng, phát triển tốt ngay cả trong điều kiện đất trũng, nước ngập sâu. Cây sen có nhiều giá trị quan trọng và được sử dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của con người như làm cảnh, làm thực phẩm và làm thuốc (Dhanarasu & Hazimi, 2013); Điều đặc biệt là tất cả các bộ phận của cây sen đều có giá trị sử dụng (Nguyen Quoc Vong &  D. Hicks, 2001).

Hoa sen còn là quốc hoa của Việt Nam. Hoa sen không chỉ là cảm hứng cho thi ca, nghệ thuật, với ý nghĩa cho sự thanh tịnh và cao quý, hoa sen còn là một phần trong tín ngưỡng của người Việt. Xưa và nay, cổ truyền hay hiện đại, dù thế nào sen vẫn luôn có chỗ đứng trong đời sống văn hoá của người Việt, bởi trong sen có bản chất của con người Việt Nam.

Hà Nội có rất nhiều địa điểm trồng sen như Hồ Tây, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Ninh Sở, Thường Tín… nhưng có lẽ An Phú -Mỹ Đức là nơi trồng sen rộng nhất miền Bắc (khoảng 200 ha). An Phú là xã miền núi của huyện Mỹ Đức với gần 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Địa hình lòng chảo nên sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn do thường xuyên úng ngập. Cũng chính vì vậy từ những năm 2007 người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng sen, có hiệu quả kinh tế cao hơn và còn là địa điểm du lịch hấp dẫn hiếm có. Do nơi đây có cảnh sắc vô cùng đẹp mắt với những đầm sen nằm đan xen giữa những núi đá vôi trùng điệp.

leftcenterrightdel
 Cảnh sắc vùng trồng sen An Phú -Mỹ Đức

Tuy nhiên trong thời gần đây, trên nhiều diện tích sen sau khi trồng hoặc sau khi mọc lại của vụ mới có hiện tượng chết và tàn lụi dần, đặc biệt sau các trận mưa lớn. Theo phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, bệnh lạ này đang là nỗi lo của rất nhiều người hộ dân trồng sen tại Mỹ Đức và trong nhiều năm qua một số diện tích người dân đã phải phá đi trồng lại nhưng bệnh vẫn không giảm.

Ngày 17/4/2024, theo lời mời của phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, nhóm NCM Công nghệ chọn tạo và Sản xuất giống cây trồng đã phối hợp với HTX trồng sen xã An Phú đi khảo sát để bước đầu đánh giá tình hình bệnh. Trong đoàn khảo sát gồm TS. Hoàng Đăng Dũng – Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề;  PGS.TS. Hà Viết Cường- Bộ môn Bệnh cây; TS. Đoàn Thu Thủy, TS. Phạm Thị Ngọc, TS. Ngô Thị Hồng Tươi- Nhóm NCM Công nghệ chọn tạo và sản xuất cây trồng, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Ông Trương Anh Tuấn- Trưởng phòng và ông Trần Minh Cường- Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức.

leftcenterrightdel
 Khảo sát, đánh giá tình tình bệnh và thu thập mẫu bệnh tại các hồ sen ở xã An Phú - Mỹ Đức

Qua khảo sát tại các đầm sen, PGS.TS. Hà Viết Cường bước đầu đưa ra nhận xét đây rất có thể là bệnh tàn lụi ở cây sen, các triệu chứng bệnh rất giống với bệnh tàn lụi sen ở Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên để có kết luận chắc chắn nguyên nhân gây bệnh nhóm khảo sát đã thu thập mẫu bệnh trên lá một số ruộng sen có triệu chứng bệnh điển hình. Trên cơ sở nhận định ban đầu, nhóm chuyên gia đã tư vấn một số giải pháp trước mắt để hạn chế bệnh lan rộng và gây hại cho các hộ trồng sen tại xã An Phú như: thu gom và tiêu  huỷ nguồn gây bệnh bằng phương pháp thủ công cơ giới; Bón phân cân đối…

Kết quả bước đầu phân lập, quan sát đặc điểm nấm gây bệnh PGS.TS. Hà Viết Cường nhận định cây sen xã An Phú bị bệnh tàn lụi do nấm  Lasiodiplodia theobromae. Để có kết luận chính xác hơn cần phân lập vi sinh vật trên mô bệnh, giải trình tự, phân tích trình tự và tiến hành lây nhiễm nhân tạo khẳng định chính xác nguyên nhân gây chết ở những ruộng sen của Mỹ Đức là bệnh tàn lụi.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, phân tích sơ bộ nguyên nhân gây bệnh hai bên nhất trí việc cần thiết phải có những nghiên cứu sâu hơn về nguyên nhân gây bệnh, biện pháp phòng trừ, và những kỹ thuật canh tác bền vững khác để duy trì và khôi phục lại vùng trồng sen truyền thống của huyện.

leftcenterrightdel
 PGS.TS. Hà Viết Cường trao đổi với Ban chủ nhiệm HTX và Cán bộ phòng Kinh tế huyện về một số triệu chứng bệnh và biện pháp phòng trừ cho sen


Ngô Thị Hồng Tươi

Nhóm NCM  Công nghệ chọn tạo và Sản xuất giống cây trồng