\r\n  

\r\n

\r\n Dịch cúm gia cầm hiện đang là vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm do tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp và khó lường. Trước tình hình trên, Khoa Thú y trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã nhanh chóng tham gia vào các hoạt động giám sát, chẩn đoán, nghiên cứu sự biến đổi của virus cúm gia cầm, góp phần vào việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

\r\n

\r\n Từ đầu năm tới nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát trở lại và xuất hiện ở 28 xã phường của 21 quận, huyện thuộc 11 tỉnh thành:  Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, tăng so với cùng kỳ năm 2011. Tính đến ngày 18 tháng 2, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 51,983 con trong đó vịt chiếm gần 90%, nguy hiểm nhất là 2 trường hợp mắc bệnh và tử vong trên người tại Kiên Giang và Sóc Trăng. Ở nước ta, chủng virus cúm “nhánh 1” (C1) xuất hiện chủ yếu năm 2003 – 2010. Từ năm 2007 lại xuất hiện thêm chủng virus “nhánh 2” là C2.3.4. Đến năm 2009-2011, xuất hiện thêm nhánh C2.3.2 và không dừng lại, nhánh này biến đổi thêm thành nhánh phụ A và B trong đó nhóm A có độc lực mạnh hơn so với nhóm B. Sự xuất hiện của chủng virus cúm mới làm cho virus cúm có độc lực mạnh hơn cùng với điều kiện thời tiết ẩm, làm cho bệnh có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn các chủng cúm xuất hiện trước đây.

\r\n

\r\n Trước tình hình trên, Khoa Thú y trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã thành lập tổ công tác do TS. Nguyễn Bá Hiên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Nam cùng các cán bộ trong khoa đã tích cực tham gia vào công cuộc giám sát, chẩn đoán, nghiên cứu sự biến đổi của virus cúm gia cầm. Bằng kỹ thuật Real time PCR, Phòng thí nghiệm trung tâm khoa Thú y do TS. Nguyễn Thị Lan phụ trách đã  giải mã thành công trình tự gen của 19 chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành tại một số tỉnh, giúp cho việc ngăn chăn dịch bệnh lây lan trên đàn gia cầm bảo vệ sức khỏe cho người và vật nuôi.

\r\n