leftcenterrightdel
Tại Phòng thí nghiệm Di truyền thuộc Bộ môn Di truyền - Giống, Khoa chăn nuôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quế Ánh
 Tại Phòng thí nghiệm Di truyền thuộc Bộ môn Di truyền - Giống, Khoa chăn nuôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quế Ánh

 

Phòng thí nghiệm Di truyền thuộc Bộ môn Di truyền - Giống, Khoa chăn nuôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những cơ sở của Học viện được hưởng lợi từ các dự án Việt-Bỉ. Các cán bộ của Khoa được nhận học bổng đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ và nghiên cứu ngắn hạn tại Bỉ để nghiên cứu về di truyền phân tử.

Tiến sĩ Đỗ Đức Lực, Phó Khoa chăn nuôi, Phụ trách Phòng thí nghiệm, người từng học Thạc sĩ và bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Bỉ, cho biết thông qua dự án, Khoa chăn nuôi, đặc biệt là Phòng thí nghiệm Di truyền, đã được hỗ trợ nhiều trang thiết bị hiện đại. Nhiều cán bộ trong khoa được sang Bỉ thực tập ngắn hạn hoặc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Các kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao và áp dụng vào sản xuất.

Phòng thí nghiệm Di truyền hiện có bốn cán bộ. Tất cả đều được đào tạo dài hạn và ngắn hạn tại Bỉ. Nhờ sự hỗ trợ của Dự án hợp tác Việt-Bỉ, các cán bộ của phòng thí nghiệm cũng như của Khoa chăn nuôi đã nghiên cứu và thực hiện thành công rất nhiều đề tài về bảo tồn và phát triển giống lợn Pietrain. Giống lợn này xuất xứ từ ngôi làng Pietrain của Bỉ và có tỷ lệ nạc cao nhất thế giới, khoảng 60-70%. Tháng 10/2011, đàn lợn hạt nhân Pietrain kháng stress đã được Học viện Nông nghiệp nhập độc quyền vào giao cho Trung tâm Giống lợn công nghệ cao nuôi dưỡng, khai thác. Trải qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của Khoa chăn nuôi kết hợp với các giáo sư thuộc trường Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) đã nhân giống thành công đàn lợn hạt nhân Pietrain kháng stress tại Việt Nam. Đàn lợn đã cho ra các thế hệ có chất lượng tốt, cung cấp cho thị trường cả nước lợn đực giống Pietrain kháng stress.

leftcenterrightdel
Giống lợn Piertrain kháng stress được chăn nuôi tại Việt Nam. Ảnh: Quế Ánh
 Giống lợn Piertrain kháng stress được chăn nuôi tại Việt Nam. Ảnh: Quế Ánh
 
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Đại học công giáo Louvain (Bỉ), các cán bộ của Khoa chăn nuôi cũng nghiên cứu về chọn lọc nhằm bảo tồn bền vững giống gà Hồ, nghiên cứu đặc điểm sinh học, hiệu suất và chất lượng sản phẩm của giống gà Đông Tảo.

Những kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm đã được chuyển giao cho các đơn vị sản xuất trong nước, trong đó có Công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco (Bắc Ninh), Xí nghiệp chăn nuôi Đồng Hiệp (Hải Phòng). Giống lợn Pietrain kháng stress cũng được chuyển giao cho Xí nghiệp chăn nuôi Đồng Hiệp để nhân giống và bán rộng rãi ở Việt Nam. Đối với Công ty giống lợn Dabaco, Học viện đã phối hợp nghiên cứu chuyển giao công nghệ chọn giống lợn bằng chỉ thị phân tử nhằm nâng cao năng suất sinh sản, sinh trưởng, kháng bệnh...

Ông Trần Xuân Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco cho biết hiện nay, công ty đang chăn nuôi 3.500 lợn nái và 250 lợn đực. Công ty hợp tác với Khoa chăn nuôi của Học viện ngay từ những ngày đầu thành lập. Đây là nơi ứng dụng các nghiên cứu, quy trình của Khoa chăn nuôi và của Học viện vào thực tế, nhằm nâng cao năng xuất sinh sản, chất lượng thịt, tốc độ tăng trưởng con giống và giảm tiêu tốn thức ăn.

Từ chương trình Việt - Bỉ, trong giai đoạn 5 năm gần đây, cán bộ Khoa chăn nuôi đã có 5 bài báo quốc tế được đăng tải trên các tạp chí và tập san của ISI (Viện Thông tin Khoa học Mỹ) và Scopus (hệ thống dữ liệu khoa học). 

Mô hình hợp tác Việt - Bỉ trong di truyền giống vật nuôi ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trải qua hơn 2 thập kỷ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.  

Đây là những tín hiệu tốt để mô hình hợp tác này sẽ tiếp tục được triển khai, góp phần đáng kể trong việc phát triển ngành chăn nuôi chất lượng cao ở Việt Nam.