Hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng phải làm theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, để nông sản làm ra có nơi tiêu thụ, chứ không phải kêu gọi “giải cứu”. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia nông nghiệp, đại diện các doanh nghiệp tại hội thảo bàn về chủ đề: Nông nghiệp công nghệ cao, các vấn đề và giải pháp, do Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghệ, Tập đoàn GFS và Sàn tri thức Novelind tổ chức vào ngày 7/4/2018 tại Học viện.
Hội thảo Nông nghiệp công nghệ cao là một hội thảo thường niên nhằm kết nối công nghệ phục vụ nông nghiệp, kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp cùng góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, Giáo sư đầu ngành về khoa học nông nghiệp.
Đến dự Hội thảo có TS. Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, Sinh viên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp; GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện; GS.TS. Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng Học viện; GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch và GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện; các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học của Học viện; TS. Dương Trọng Hải - Sáng lập Sàn tri thức, Viện KH&CN Industry 4.0, ĐH Nguyễn Tất Thành; PGS. TS. Bùi Xuân Hồi - Phó TGĐ Tập đoàn GFS, Viện phó Viện Công nghệ GFS, ĐH Bách Khoa Hà Nội; Ông Đào Ngọc Nam - Giám Đốc CTCP Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp An Việt cùng các chuyên gia đến từ Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới – ĐH Quốc gia Hà Nội; Đại học Nha Trang; Trường CĐ Công nghiệp Huế; Viện máy và dụng cụ nông nghiệp IMI...; hiệu trưởng các trường Trung học Phổ thông.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh: “Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngoài yếu tố về công nghệ, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì sẽ không có đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, không những nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật và công nghệ mà chúng ta cần tạo ra những nhà lãnh đạo, nhà quản lý nông nghiệp giỏi, giàu kỹ năng chuyên sâu về nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Việc khơi dậy niềm đam mê nông nghiệp, thay đổi cách nhìn nhận, tư duy về ngành nông nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài nông nghiệp là một trong những mục tiêu mà Học viện đang triển khai thực hiện”.
Hội thảo được chia làm 4 phiên cùng 1 phiên tọa đàm với các chủ đề như: Nông nghiệp công nghệ cao: các vấn đề về chính sách, đào tạo nhân lực và một góc nhìn tư nhân; Giống, truy xuất nguồn gốc và phân phối nông sản; ICT và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Kỹ thuật, Công nghệ và Thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, câu chuyện giải cứu thịt lợn, dưa hấu, gừng tươi, gần đây nhất là củ cải và su hào, làm nóng diễn đàn thảo luận tại hội thảo khi các đại biểu phân tích và đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ để giải quyết thực trạng này.
Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối sản xuất với thị trường
Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp An Việt, cho rằng Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản có thể sản xuất và cung ứng với khối lượng lớn. Nhưng cái khó là diện tích đất manh mún, trình độ canh tác của người nông dân không đồng đều. Doanh nghiệp muốn kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc nông sản, phải bắt tay với nông dân trong canh tác và ứng dụng khoa học công nghệ để hướng dẫn, giám sát và kiểm soát chất lượng nông sản.
Cũng theo ông Nam, câu chuyện được mùa mất giá vốn đã là đặc tính của nông nghiệp, khi các sản phẩm mang tính chất thời vụ. Điều này có nguyên nhân do hệ thống phân phối hiện còn nhiều bất cập. Người tiêu dùng phải chi trả quá cao so với giá thực tế, trong khi thiếu sự đảm bảo về chất lượng của sản phẩm.
“Nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm được coi là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng các kênh phân phối tiêu thụ nông sản”, ông Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS.TS. Đỗ Kim Chung, Khoa Kinh tế và PTNT cho rằng một trong những điểm yếu của nông nghiệp hiện nay là giữa sản xuất và thị trường chưa có sự kết nối, dẫn đến nhiều nông sản phải kêu gọi cộng đồng giải cứu.
Đất nước Việt Nam với 95 triệu người hiện nay đang có nhu cầu rất lớn về nông sản sạch, đòi hòi nông sản ngày càng ngon về chất lượng, đẹp về mẫu mã và đây sẽ là thị trường rộng lớn cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh.
Theo GS.TS. Đỗ Kim Chung, nếu ứng dụng công nghệ thông tin được đưa vào sử dụng phổ biến, thì các nông trang trại có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận khách hàng trực tiếp của mình là người tiêu dùng và xây dựng hệ thống bán hàng riêng, chứ không lệ thuộc vào các đơn vị phân phối trung gian.
Đào tạo kiến thức thị trường cho nông dân
Theo chia sẻ của các đại biểu, nền nông nghiệp Việt Nam với trên 42 triệu mảnh ruộng manh mún hiện nay khó có thể thành công nếu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn. Trong khi đó, mỗi vùng miền lại có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, riêng có.
Trao đổi với các cơ quan thông tấn, Giám đốc Học viện Nguyễn Thị Lan, cho rằng bối cảnh hiện nay cần phải thay đổi chương trình đào tạo cho nông dân, giúp họ tiếp cận những kiến thức khoa học, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, cho ra sản phẩm chất lượng cao nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, “muốn chuyển giao được công nghệ, người nông dân phải có kiến thức. Muốn như vậy, chúng ta phải giúp nông dân tiếp cận những công nghệ mới, qua đó áp dụng để triển khai trên thực tế như thế nào”.
Về đào tạo nhân lực cho ngành, Học viện Nông nghiệp Việt Nam ưu tiên khơi dậy niềm đam mê và định hướng sinh viên học tập và tìm hiểu kiến thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cho nông dân về kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, tìm kiếm thị trường. Hiện tại, Học viện đang liên kết với Liên minh Hợp tác xã để tổ chức các chương trình đào tạo cho nông dân, đưa tri thức trẻ về tham gia các chương trình phát triển nông nghiệp ở địa phương.
Các nhà khoa học, chuyên gia có mặt tại Hội thảo tin tưởng rằng, những vấn đề được nêu ra tại Hội thảo sẽ góp phần định hướng, kết nối các giải pháp và công nghệ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà trường trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thông tin.