Chiều 22-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và bàn giải pháp giải thể các HTX nông nghiệp kém hiệu quả đã ngừng hoạt động”.

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế; các trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ NN&PTNT; các đại biểu đại diện các hợp tác xã của 63 tỉnh thành trên cả nước. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Tất Cảnh – Phó Giám đốc Học viện cùng đại diện lãnh đạo các khoa chuyên môn và đơn vị chức năng trong Học viện. Ngoài ra, Hội nghị cũng thu hút sự quan tâm của gần 30 cơ quan thông tấn, báo chí đã đến dự và đưa tin.

 

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện các bước, tiến tới đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp theo Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29-12-2016 của Bộ Tài chính. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc hỗ trợ thu hút cán bộ chuyên môn có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên về làm việc ở hợp tác xã nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, không thực hiện tràn lan gây lãng phí, kém hiệu quả. Thứ trưởng cho rằng, đưa những cán bộ khoa học kỹ thuật về hợp tác xã nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức nông nghiệp cho thành viên, giúp hợp tác xã hoạt động sản xuất có hiệu quả. Bởi, chính khoa học công nghệ là một trong những yếu tố cơ bản giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả.  

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu

Xuất phát từ nhu cầu của các hợp tác xã nên các cán bộ khi về sẽ có cơ hội thể hiện, phát huy năng lực, từ đó có tâm huyết với hợp tác xã. Đây cũng là mô hình khởi nghiệp với các sinh viên khi tiếp cận vào hợp tác xã. Các bạn có cơ hội phát huy năng lực, gắn bó lâu dài, góp phần xây dựng hợp tác xã hoạt động hiệu quả. 

Trước khi về hợp tác xã, các cán bộ trẻ sẽ được tập huấn, tìm hiểu rõ về hợp tác xã, những yêu cầu đặt ra của họ. Đây là giai đoạn thí điểm nên mỗi hợp tác xã sẽ tuyển chọn 1 cán bộ, mỗi tỉnh khoảng 5 hợp tác xã. Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế của các HTX tham gia thí điểm theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ để đăng ký. Tuy nhiên, việc hỗ trợ thí điểm chương trình này phải xem xét trên nhu cầu thực tế của các HTX, không thực hiện tràn lan, gây lãng phí ngân sách… Cuối năm 2018 sẽ có sơ kết đánh giá để năm 2019 có thể triển khai trên diện rộng cách làm này,

Đến hết năm 2017, cả nước có 11.668 hợp tác xã nông nghiệp với hơn 4,1 triệu thành viên, giảm trên 1,3 triệu xã viên so với năm 2012. Cả nước mới có 38% số hợp tác xã nông nghiệp được phân loại khá, tốt. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của các hợp tác xã là trình độ về quản lý và chuyên môn của cán bộ hợp tác xã rất hạn chế. Có khoảng 60% cán bộ hợp tác xã nông nghiệp chưa học hết phổ thông trung học dẫn đến việc tổ chức quản lý và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. 

Hiện chỉ có 48,5% số hợp tác xã nông nghiệp xây dựng và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh trong quá trình hoạt động, đa số các cán bộ hợp tác xã cao tuổi, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu nhạy bén trong hoạt động. Thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật để tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam là nơi đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành nông nghiệp lớn nhất cả nước. Rất nhiều cử nhân, kỹ sư và bác sĩ thú y đã được đào tạo từ Học viện và đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp tại địa phương. Vì vậy, việc Bộ NN&PTNT đẩy mạnh thí điểm thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về làm việc tại các hợp tác xã sẽ góp phần nâng cao uy tín và năng lực của Học viện trước những đòi hỏi và thách thức trong việc đào tạo nhân lực có chuyên môn, trình độ, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội, đồng thời giải quyết được các bất cập của hợp tác xã, góp phần gia tăng năng suất trong lao động và sản xuất tại các hợp tác xã địa phương.

Tuy nhiên, để tránh sự hỗ trợ dàn trải, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, hợp tác xã được lựa chọn đưa cán bộ về phải có hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản; áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất nông sản an toàn; phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể; có phương án sử dụng lao động phù hợp hiệu quả đối với cán bộ dự kiến tuyển dụng về làm việc... 

Ký kết Chương trình phối hợp giữa Cục Kinh tế hợp tác và PTNT với Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Trong giai đoạn thí điểm này, những cán bộ được lựa chọn sẽ là cán bộ kỹ thuật, cán bộ kế toán để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực hoạt động chính của hợp tác xã.