Ngày 21/6 vừa qua, Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo Đánh giá tác động của các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2015 ở Vùng Tây Bắc: Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài. Hội thảo là một trong những hoạt động của nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước do GS. TS. Đỗ Kim Chung, Bộ môn Kinh tế nông nghiệp và chính sách làm chủ nhiệm với mục đích lấy ý kiến phản hồi của các Bộ ngành và các địa phương về báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài.

Đến tham dự Hội thảo có các vị đại biểu có: PGS. TS. Phạm Văn Cường - Phó giám đốc Học viện; TS. Trương Xuân Cừ – Phó Ban Chỉ Đạo Tây Bắc, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; TS. Nguyễn Hải Hữu – Nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ XH, Bộ LĐ-TB&XH; ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH; PGS. TS. Trần Đình Thao – Trưởng Khoa Kinh tế &PTNT; ThS. Lê Văn Sơn- Phòng Kế hoạch, VP điều phối Chương trình Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới; đại diện chính quyền cơ sở ở Hà Giang, Lào Cai, Hoà Bình…; đại diện đến từ các trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Kinh tế &PTNT, Khoa KE&QTKD, Khoa Lý luận chính trị xã hội, Các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Phạm Văn Cường đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn, nỗ lực của nhóm nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước KHCN-TB.07X/13-18 đang thực hiện tại Học viện và tin tưởng rằng đề tài sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa sau hội thảo, góp phần nâng cao giá trị của đề tài.

Sau khi PGS.TS Nguyễn Phượng Lê – thư ký đề tài phát biểu đề dẫn, Hội thảo đã nghe báo cáo của các thành viên trong nhóm đề tài gồm các nội dung:

  • Giới thiệu tổng quát về đề tài.
  • Kết quả thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo ở vùng Tây Bắc
  • Tác động tổng thể của các chương trình xoá đói giảm nghèo ở Tây Bắc
  • Yếu tố ảnh hưởng đến giảm nghèo ở vùng Tây Bắc
  • Quan điểm, định hướng, chính sách và giải pháp xoá đói giảm nghèo ở vùng Tây Bắc

Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của đại biểu tham dự và đánh giá cao giá trị khoa học mà đề tài đem lại, đồng thời khẳng định đây là một công trình công phu, tâm huyết, có ý nghĩa thực tiễn. Các ý kiến góp ý quý báu cho nhóm nghiên cứu tập trung đến việc đề xuất những chính sách phù hợp với vùng Tây Bắc trên tất cả các lĩnh vực mà nhóm nghiên cứu đã đề cập trong báo cáo.

Tổng kết Hội thảo, GS. TS. Đỗ Kim Chung nhấn mạnh vào một số đề xuất trọng tâm và tiếp nhận các ý kiến của các vị đại biểu, thành công của Hội thảo sẽ góp phần thực hiện tốt việc nghiệm thu đề tài trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo

PGS. TS. Phạm Văn Cường – Phó giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo


GS. TS Đỗ Kim Chung – Chủ nhiệm đề tài, trình bày nội dung, quan điểm, định hướng,
chính sách và giải pháp xoá đói giảm nghèo ở vùng Tây Bắc


Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH đóng góp ý kiến cho đề tài

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu


Xuân Phi


Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể về kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu xóa đói và giảm nghèo giai đoạn 2001 – 2015” với mã số  KHCN-TB.07X/13-18, Chủ nhiệm đề tài: GS.TS Đỗ Kim Chung, Cơ quan chủ trì: Học viện Nông nghiệp Việt Nam , Đề tài  thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2013-2018 “Khoa học và công nghệ  phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”

Đây là chương trình KH&CN có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, nhằm giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc. Chương trình có bốn mục tiêu cơ bản sau:

1. Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.

2. Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

3. Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.

4. Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Đại học Quốc gia Hà Nội được giao làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai Chương trình từ năm 2013 đến năm 2018. Ban Chủ nhiệm Chương trình gồm 11 người do PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo; Giám đốc ĐHQGHN - làm Chủ nhiệm.

Nguồn: taybac.vnu.edu.vn