Chi Ngải tiên (Hedychium) thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) được biết đến với công dụng làm thuốc và làm cảnh từ lâu trên thế giới. Mặc dù cây Ngải tiên đã được trồng với mục đích làm cảnh từ lâu trên thế giới và ở Việt Nam nhưng các công bố lại chủ yếu tập trung vào các hoạt chất dược học và hàm lượng, chất lượng tinh dầu trong cây Ngải tiên. Xuất phát từ những lý do trên, nhóm nghiên cứu thuộc Tập đoàn T&T, 2A Phạm Sư Mạnh, Hoàn Kiếm, Hà Nội và khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu: “Đánh giá đặc điểm hoa, quả, hạt và chất lượng hạt phấn của các mẫu giống Ngải tiên (Hedychium spp.) trồng tại Gia Lâm, Hà Nội”. Nghiên cứu tập trung vào đặc điểm nở hoa, đặc điểm hạt phấn của cây Ngải tiên nhằm đáp ứng công tác lai tạo giống để chọn tạo ra những dòng cây cảnh mới đáp ứng nhu cầu trang trí cảnh quan ngày một tăng ở trong và ngoài nước.
Nghiên cứu tập trung vào đặc điểm hoa, quả, hạt, hạt phấn và đặc điểm chín của nhị và nhụy nhằm phục vụ mục đích lai tạo giống. Đối tượng nghiên cứu gồm 5 mẫu giống: Ngải tiên Sapa 2009 (NT1), Ngải tiên Sapa 2015 (NT2), Ngải tiên Sapa 2016 (NT3), Ngải tiên Tây Tựu (NT4), Ngải tiên Gia Lâm (NT5) được thu thập tại một số địa phương của Việt Nam và trồng tại vườn Bộ môn Rau hoa quả và Cảnh quann, khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Gia Lâm, Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Hoa ngải tiên có cấu tạo mang đặc trưng của họ Gừng. Các mẫu giống Ngải tiên đều nở hoa vào buổi sáng từ 8h30ph-10h30ph, riêng NT1, NT3 nở thêm vào buổi chiều lúc 14h-15h30ph. Nhụy chín sau khi hoa nở 30-60 phút, nhị chín sau nhụy 2,5-3h. Hạt phấn hình tròn, không dính bết, đường kính 72,3 - 86,8µm, độ hữu dục 76,5-83,3%. Quả Ngải tiên là dạng quả nang, 3 ngăn, quả non màu xanh, quả chín màu vàng, vàng nhạt hoặc cam. Hạt hình hơi tròn, có góc cạnh, được bao phủ bởi lớp thịt quả màu đỏ tươi. Khối lượng quả 1,72-3,92 g/quả, với 8,4-17,6 hạt/quả, 2,8-5,9 hạt/ngăn, khối lượng hạt 45,17-92,34 mg/hạt, đường kính hạt 0,32-0,39cm.
Một số hình ảnh nghiên cứu:
Chú thích: 1) Đài, 2) Thùy tràng, 3) Cánh môi, 4) Nhị lép, 5) Ống tràng, 6)Một Nhị gồm hai bao phấn và chỉ nhị đã được tách rời, 7) Tuyến (epigynous glands), 8) Bộ nhụy, 9) Lát cắt ngang qua bầu nhụy
Hình 1. Phân tích cấu tạo hoa Ngải tiên
Hình 2. Vị trí của nhị và nhụy hoa Ngải tiên mẫu giống NT1
Hình 3. Hạt phấn của mẫu giống Ngải tiên NT3 và NT4 sau khi nhuộm KI-I2
Hình 4. Hình thái quả và hạt của mẫu giống Ngải tiên NT4
Thông tin chi tiết truy cập tại: https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2023/02/tap-chi-so-1.1-1.pdf
Đào Hương - NXB Học viện