Đánh giá đa dạng di truyền Của 10 mẫu giống nấm sò (Pleurotus spp.) bằng chỉ thị RAPD và ISSR

Nấm sò thuộc chi Pleurotus (Fr) P.Kumm bao gồm khoảng 200 loài, sống trên thân gỗ. Nấm sò được tiêu thụ phổ biến trên thế giới do có mùi vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt một số loài có giá trị dược tính quan trọng như tác dụng chống ung thư, hạ cholesterol máu, hạ huyết áp, trị đái tháo đường, chống béo phì, bảo vệ gan, chống lão hóa, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống oxy hóa… Chính vì vậy, nấm sò được đánh giá là nấm có giá trị dinh dưỡng cao và có tiềm năng sử dụng làm thuốc, thực phẩm chức năng hoặc dược phẩm dinh dưỡng quan trọng (Khan & Tania, 2012; Nguyễn Thị Bích Thùy & cs., 2013). Một số loài thuộc chi này rất giàu protein với các axit amin thiết yếu, chứa polysacarit và axit béo thiết yếu, chất xơ, chất khoáng và một số vitamin. Các loài nấm sò được nuôi trồng chủ yếu gồm Pleurotus citrinopileatus, Pleurotus eryngii, Pleurotus columbinus, Pleurotus tuberregium, Pleurotus djamor, Pleurotus pulmonarius, Pleurotus ostreatus, Pleurotus sajorcaju, Pleurotus pulmonarius (Trịnh Tam Kiệt & cs., 2011; Otieno & cs., 2015; Tôn Nữ Hải Âu, 2017; Raman & cs., 2020).

Ở Việt Nam, đã có một số công trình nghiên cứu đa dạng di truyền trên nấm sò vua (Pleurotus eryngii) bằng các chỉ thị phân tử Random Amplified Polymorphic DNA (RAPD) (Nguyễn Thị Bích Thùy & cs., 2013). Mặc dù vậy, số lượng công trình nghiên cứu sự đa dạng di truyền của các mẫu giống nấm sò còn ít, không tương xứng với tầm quan trọng bậc nhất về nấm ăn và mức độ phổ biến của giống nấm này.

Để phục vụ công tác chọn tạo giống nấm sò mới, bên cạnh thu thập nguồn mẫu giống thì công tác đánh giá đa dạng di truyền là quan trọng bởi thông tin về sự khác biệt di truyền sẽ góp phần hỗ trợ cho việc lựa chọn các cặp lai có tiềm năng cho ưu thế lai cao hơn. Cho đến nay, nhiều chỉ thị phân tử khác nhau đã được sử dụng để đánh giá sự đa dạng di truyền của một số loại nấm ăn và nấm dược liệu trong đó có nấm sò. Nghiên cứu này đã thu thập và phân tích sự đa dạng di truyền của 10 mẫu giống nấm sò bằng 20 chỉ thị RAPD và 17 chỉ thị ISSR nhằm cung cấp thông tin cho các chương trình chọn tạo giống nấm sò ở nước ta.

Nghiên cứu tiến hành trên 10 mẫu giống nấm sò: PN1, PN2, PN8, PN15, PN19, PN20, PN28, PN30, PN50, PN1142, được thu thập và lưu giữ tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Nấm ăn, nấm Dược liệu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bảng 1).


Bảng 1. Danh sách 10 mẫu giống nấm sò và nguồn gốc thu thập

STT

Tên mẫu nấm

Nguồn gốc

STT

Tên mẫu nấm

Nguồn gốc

1

PN1

Thái Lan

6

PN20

Nhật Bản

2

PN2

Mỹ

7

PN28

Trung Quốc

3

PN8

Thái Lan

8

PN30

Thái Lan

4

PN15

Hàn Quốc

9

PN50

Việt Nam

5

PN19

Thái Lan

10

PN1142

Việt Nam

Việc kết hợp nhiều chỉ thị như RAPD, ISSR, SRAP trong phân tích đa dạng di truyền của các mẫu giống nấm hương (Fu & cs., 2010) hoặc nấm sò Pleurotus pulmonarius (Yin & cs., 2014) đã được thực hiện. Thông thường, chỉ thị RAPD và ISSR được kết hợp để tăng số lượng locus phát hiện được trong một phân tích và do vậy kết quả sẽ có tính đại diện hơn là khi phân tích đơn lẻ (Wang & cs., 2012). Trong nghiên cứu này, khi kết hợp hai chỉ thị RAPD và ISSR, tổng số locus phát hiện được là 560 locus (285 với RAPD và 302 với ISSR), (minh hoa về kết quả điện di sản phẩm PCR trên Hình 1). Kết quả phân tích cho thấy hệ số tương đồng di truyền của 10 mẫu giống nấm sò dao động từ 0,459-0,755. Ở hệ số tương đồng di truyền trung bình là 0,579, 10 mẫu giống nấm sò được chia thành 3 nhóm chính (Hình 2). Kết quả trên chứng tỏ 10 mẫu giống nấm sò thu thập được là có sự khác biệt về lớn về vật liệu di truyền và do vậy sẽ là những vật liệu nguồn gen quý cho chọn tạo giống nấm sò mới.

leftcenterrightdel
 

Hình 1. Kết quả chạy điện di sản phẩm PCR của 10 mẫu giống nấm sò

với mồi OPB05 và OPN03, UBC 841 và UBC 855

Ghi chú: Tại giá trị hệ số tương đồng di truyền trung bình là 0,579 (vị trí nét đứt), 10 mẫu giống nấm sò được phân thành 3 nhóm.

leftcenterrightdel
 

Hình 2. Sơ đồ quan hệ di truyền
của 10 mẫu giống nấm sò được phân tích bởi kết hợp giữa chỉ thị RAPD và ISSR

leftcenterrightdel
 

Hình 3. Phân tích thành phần chính (PCA analysis)
của 10 mẫu giống nấm sò dựa trên kết hợp giữa hai chỉ thị RAPD và ISSR

Để có góc nhìn trực quan hơn về mối quan hệ di truyền của 10 mẫu giống nấm sò thu thập được, chúng tôi sử dụng hệ số tương đồng di truyền được phân tích bởi tổng số 37 chỉ thị (RAPD + ISSR) để tiến hành phân tích thành phần chính (PCA). Trong đồ thị phân tán PCA, hai thành phần chính đầu tiên lần lượt chiếm 51,85% và 15,44% (tổng số 67,29%) (Hình 3). Kết quả này một lần nữa khẳng định 10 mẫu giống nấm sò rất đa dạng về mặt di truyền.

Như vậy, nghiên cứu này đã xác định được sự đa dạng di truyền của 10 mẫu giống nấm sò bằng 37 chỉ thị (20 chỉ thị RAPD và 17 chỉ thị ISSR). Hệ số tương đồng di truyền của 10 mẫu giống nấm sò dao động từ 0,459 - 0,755 và chia thành 3 nhóm chính ở hệ số tương đồng di truyền trung bình là 0,579. Kết quả trên cho thấy mức độ đa dạng di truyền 10 mẫu giống nấm sò thu thập được là rất cao. Các mẫu giống nấm sò có thể được sử dụng cho nghiên cứu, phát triển nguồn gen cũng như lai tạo giống nấm sò mới.

https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2023/12/tap-chi-so-12.10.pdfư

Khoa Công nghệ sinh học