Rau đắng đất (Glinus oppositifolius (L.) Aug. DC.), họ Molluginaceae) được tìm thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới, cây giàu dinh dưỡng và vi chất nên được sử dụng rộng rãi như một loại rau ở châu Phi, Ấn Độ, Bangladesh, Phillipines... Theo Đông y, rau đắng đất có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, nhuận gan, hạ nhiệt… trong dân gian được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da... Trong Y học hiện đại, rau đắng đất được sử dụng trong các chế phẩm có tác dụng nhuận gan, lợi mật, thông tiểu, giải độc. Những năm gần đây, các nhà khoa học trên thế giới và trong nước tiếp tục đi sâu nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng dược lý và hoạt tính sinh học từ những hợp chất có trong rau đắng đất. Các nghiên cứu đã tìm ra những bằng chứng thực nghiệm trên một số bệnh ung thư khi cho tương tác với các thành phần có trong rau đắng đất. Qua đó, mở ra những hy vọng mang lại sức khỏe cũng như làm tăng khả năng phòng và điều trị bệnh cho các đối tượng mắc căn bệnh nan y.
Tại Việt Nam, rau đắng đất phân bố dọc theo các tỉnh ven biển từ Nam Định đến đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hầu hết các giống rau đắng đất trồng đều có nguồn gốc từ địa phương hoang dại, được người sản xuất tự tìm và nhân giống, một số tài liệu đang có sự nhầm lẫn về loài có tên rau đắng. Việc tìm hiểu và phân biệt hình thái, giải phẫu của một số mẫu giống rau đắng đất khác nhau trong sản xuất là rất cần thiết, giúp giải thích cơ sở khoa học sinh trưởng, phát triển các mẫu giống và lựa chọn giống phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng dược liệu đồng thời cung cấp dẫn liệu khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo. Đó cũng là lí do để nhóm tác giả khoa Nông học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nghiên cứu này.
Nghiên cứu thực hiện trên 5 mẫu giống rau đắng đất thu thập từ 5 địa phương khác nhau, kí hiệu thứ tự từ RĐ1 (Tây Ninh), RĐ2 (Hà Nội), RĐ3 (Nam Định), RĐ4 (Thái Bình) và RĐ5 (Phú Yên), được trồng và theo dõi tại khu thí nghiệm đồng ruộng, khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ tháng 2-7/2017. Thí nghiệm bố trí ngoài đồng ruộng theo khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCBD), 3 lần nhắc lại, mỗi lần nhắc 5m2 trên nền đất phù sa Sông Hồng.
Hình thái rễ được mô tả ở thời điểm cây thu hoạch, hình thái thân được mô tả ở ở giai đoạn cây con (trước khi cây ra cành cấp 2) và giai đoạn cây trưởng thành (khi cây đã ra hoa, đậu quả), hình thái lá mô tả ở giai đoạn cây trưởng thành (lá bánh tẻ). Cơ quan sinh sản (hoa, quả, hạt) được mô tả ở thời kỳ ra hoa, làm quả và quả chín.
Giải phẫu rễ chính (cắt ở miền trưởng thành), thân và lá (ở vị trí bánh tẻ) của cây trưởng thành (khi cây đã ra hoa và đậu quả) các mẫu rau đắng đất và nhuộm bằng Toluidine Blue 0,05% trong 30s theo phương pháp của O'Brien (1964), tại Bộ môn Thực vật, khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Hình 1. Hình thái rễ cây rau đắng đất (mẫu RĐ3)
Ghi chú: a. Giai đoạn cây con; b. Giai đoạn cây trưởng thành (mẫu RĐ5); c. Giai đoạn thu hoạch mẫu RĐ3; d. Giai đoạn thu hoạch mẫu RĐ5
Hình 2. Hình thái thân cây rau đắng đất
Hình 3. Hình ảnh soi nổi a. Hoa; b. Quả; c. Hạt cây rau đắng đất (mẫu RĐ3)
Hình 4. Hình thái a. Hoa; b. Quả; c. Hạt rau đắng đất
Hình 5. Hình thái a. Hoa; b. Quả; c. Hạt cây rau đắng đất (mẫu RĐ5)
Qua nghiên cứu cho thấy, các mẫu giống có một số đặc điểm tương đồng như hình thái rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt và cấu tạo giải phẫu rễ, thân, lá. Những đặc điểm khác nhau bao gồm: màu sắc thân cây trưởng thành (RĐ1, RĐ2, RĐ4, RĐ5 có màu nâu đỏ, RĐ3 có màu vàng lục), lá (mặt trên phiến lá RĐ3 có màu xanh nhạt, RĐ5 có màu xanh đậm, RĐ1, RĐ2, RĐ4 có màu xanh); Mẫu RĐ3 có số lượng rễ cấp 1 nhiều nhất (14,60 rễ/cây) và kích thước hình lá lớn nhất (dài 2,33 ± 0,02cm; rộng 1,00 ± 0,06cm); mẫu RĐ5 có kích thước lá bé nhất (dài 1,58 ± 0,01cm; rộng 0,51 ± 0,05cm); Về giải phẫu, mẫu RĐ3 có kích thước nhu mô ruột ở thân, bó libe - gỗ ở rễ, thân và gân chính của lá lớn nhất. Trong khi đó, mẫu RĐ5 có phiến lá dày nhất (mô giậu dày 277,8 ± 6,8µm và mô khuyết dày 198,9 ± 10,3µm).
Thông tin chi tiết truy cập tại đây.
Đào Hương - Nhà xuất bản Học viện Nông nghiệp