Ngô là cây trồng chính tại Việt Nam, không chỉ làm thực phẩm cho con người mà còn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và sản xuất nhiên liệu sinh học. Việt Nam với địa hình phần đất liền kéo dài 15 vĩ độ, nằm trong đới khí hậu nhiệt đới, không chỉ có lợi thế về phát triển cây lương thực ngô, lúa mà còn có thể trở thành một trung tâm nghiên cứu cây lương thực nhiệt đới của thế giới. Do vậy, chọn tạo giống ngô được Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung nghiên cứu mạnh trong thập kỷ qua nhằm vươn lên dẫn đầu, tiên phong tại Việt Nam, hội nhập cùng khu vực và quốc tế. Là đơn vị trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngoài nhiệm vụ tham gia đào tạo, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống cây trồng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, Viện đã chọn tạo thành công nhiều giống lúa, ngô, đậu đỗ… Năm 2022, Viện đã có 4 giống ngô mới bao gồm: giống ngô nếp tím lai đơn giàu anthocyanin VNUA141, hai giống ngô nếp lai trắng lai đơn VNUA16, VNUA69 và giống ngô lai đơn VNUA36 được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận lưu hành cho các tỉnh phía Bắc.

leftcenterrightdel
 

VNUA141 là giống ngô nếp tím lai đơn được chọn tạo đầu tiên tại Việt Nam bởi GS.TS. Vũ Văn Liết, TS. Phạm Quang Tuân và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Giống giàu anthocyanin có khả năng kháng ôxy hóa, ngăn ngừa ung thư và các bệnh tim mạch. VNUA141 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, dạng cây vững chắc, chiều cao cây khoảng 160-180 cm, chiều cao đóng bắp khoảng 60-80 cm, khả năng chống chịu đổ gãy và bệnh khô vằn tốt. Về chất lượng ăn tươi, giống có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng và đậm vị. Là giống ngắn ngày, VNUA141 có thời gian từ gieo đến thu hoạch bắp tươi trong vụ xuân khoảng 80-90 ngày; vụ thu đông khoảng 75-85 ngày (với các thời vụ khác và vùng miền khác nhau, khoảng thời gian này có thể rút ngắn hoặc kéo dài hơn). Với những ưu điểm nêu trên, giống ngô nếp tím lai giàu anthocyanin VNUA141 đã được công nhận lưu hành trong năm 2022 theo Quyết định số 158/QĐ/-TT-CLT ngày 29/6/2022 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

leftcenterrightdel
 

Giống ngô lai đơn VNUA36 được nhóm nghiên cứu Cây trồng cạn thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam chọn lọc, lai tạo giữa dòng mẹ B3 với dòng bố B6. Giống ngô lai VNUA36 được công nhận lưu hành tại các vụ, vùng trồng ngô phía Bắc theo Quyết định số 102/QĐ-TT-CLT ngày 13/5/2022 của Cục Trồng trọt. Giống có thời gian sinh trưởng trong vụ Xuân từ 109-125 ngày, vụ Hè Thu là 109 ngày; vụ Thu Đông là 102-105 ngày và vụ Đông từ 103-106 ngày.  Chiều cao cây trung bình từ 200-230cm, có thể đạt tới 280 cm trong điều kiện thâm canh cao, trồng dày. Chiều cao đóng bắp vừa phải, trạng thái cây khá. Bộ lá gọn xanh đậm, độ tàn lá trung bình. Bắp của giống ngô lai VNUA36 có màu vàng da cam, dạng hạt bán đá, bắp dài chắc hạt, khả năng kết hạt tốt. Khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận tốt, đặc biệt là khả năng chịu rét và khô hạn; khả năng chống đổ khá, ít nhiễm sâu bệnh hại; nhiễm nhẹ khô vằn trong vụ Xuân. Giống thích nghi tốt với các vùng sinh thái phía Bắc. Năng suất hạt khô đạt từ 65-80 tạ/ha tùy từng thời vụ trồng. Năng suất sinh khối đạt trên 50 tấn/ha. Hàm lượng vật chất khô đạt trên 33%, hàm lượng protein thô đạt 9%.

leftcenterrightdel
 

Giống ngô nếp lai VNUA16 được nhóm nghiên cứu Cây trồng cạn thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam chọn lọc, lai tạo giữa dòng mẹ D8-1 với dòng bố D12. Giống ngô nếp lai VNUA16 được công nhận lưu hành tại các vụ, vùng trồng ngô phía Bắc theo Quyết định số 103/QĐ-TT-CLT ngày 13/5/2022 của Cục Trồng trọt. Giống có thời gian từ gieo đến thu hoạch bắp tươi trong vụ Xuân từ 78-83 ngày, vụ Thu Đông từ 70-75 ngày.  Chiều cao cây trung bình từ 160-180 cm, thuộc nhóm thấp cây. Chiều cao đóng bắp vừa phải từ 65-80 cm, trạng thái cây tốt. Toàn bộ thân lá có sắc tố tím nhạt và tăng dần khi gặp nhiệt độ thấp, độ tàn lá trung bình. Bắp của giống ngô lai VNUA16 có màu trắng ngà, dạng hạt nếp, bắp tươi dài chắc hạt, khả năng kết hạt tốt. Chất lượng ăn tươi ngon, ngô luộc dẻo và đậm vị. Khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận tốt, đặc biệt là khả năng chịu rét và khô hạn; khả năng chống đổ tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại. Giống thích nghi tốt với các vùng sinh thái phía Bắc, dễ trồng và có thể gieo trồng quanh năm. Năng suất bắp tươi trung bình đạt từ 115-130 tạ/ha, điều kiện thâm canh tốt đạt trên 140 tạ/ha.

leftcenterrightdel
 

Giống ngô nếp lai VNUA69 được nhóm nghiên cứu Cây trồng cạn thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam chọn lọc, lai tạo giữa dòng mẹ D6 với dòng bố D4. Giống ngô nếp lai VNUA69 được công nhận lưu hành tại các vụ, vùng trồng ngô Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ theo Quyết định số 104/QĐ-TT-CLT ngày 13/5/2022 của Cục Trồng trọt. Giống có thời gian từ gieo đến thu hoạch bắp tươi trong vụ Xuân từ 80-90 ngày, vụ Thu Đông từ 70-80 ngày. Chiều cao cây trung bình từ 190- 210cm. Chiều cao đóng bắp vừa phải từ 75-90 cm, trạng thái cây khá tốt. Toàn bộ thân lá có sắc tố tím nhạt trong vụ Xuân và tăng dần khi gặp nhiệt độ thấp, độ tàn lá trung bình. Bắp của giống ngô lai VNUA69 có màu trắng ngà, dạng hạt nếp, bắp tươi to dài chắc hạt, khả năng kết hạt tốt, số hàng hạt lớn. Chất lượng ăn tươi khá, ngô luộc dẻo và đậm vị. Khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận tốt, đặc biệt là khả năng chịu rét và khô hạn; khả năng chống đổ khá, ít nhiễm sâu bệnh hại. Giống thích nghi tốt với các vùng sinh thái phía Bắc, dễ trồng và có thể gieo trồng quanh năm. Năng suất bắp tươi trung bình đạt từ 120-130 tạ/ha, điều kiện thâm canh cao đạt 145-150 tạ/ha.

Bốn giống ngô gồm giống ngô nếp tím lai VNUA141, giống ngô lai đơn VNUA36 và hai giống ngô nếp trắng VNUA16, VNUA69 vừa được công nhận lưu hành trong năm 2022 là kết quả của sự cố gắng không mệt mỏi, đổi mới sáng tạo trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mười năm qua của nhóm các nhà nghiên cứu ngô tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, sự hỗ trợ kịp thời về hạ tầng, cơ chế của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và nguồn lực tài chính thông qua đề tài, dự án của các bộ, ban, ngành và địa phương.

leftcenterrightdel
 Tòa nhà điều hành của Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng vừa được Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ sửa sang
leftcenterrightdel
 GS.TS. Vũ Văn Liết báo cáo tiến độ thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, chọn tạo giống ngô nếp tím và ngô đường siêu ngọt cho các tỉnh phía Bắc” giai đoạn 2021 – 2025
leftcenterrightdel
Bộ Khoa học và Công nghệ thăm và đánh giá các thí nghiệm chọn tạo giống ngô tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 
leftcenterrightdel
 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thăm và đánh giá các thí nghiệm chọn tạo giống ngô tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
leftcenterrightdel
Viện Di truyền Nông nghiệp thăm và đánh giá các thí nghiệm chọn tạo giống ngô tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 
leftcenterrightdel
Công ty ADI thăm và đánh giá các giống ngô thế hệ mới tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 
leftcenterrightdel
Viện Nghiên cứu ngô phối hợp triển khai các nghiên cứu ngô thực phẩm với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 
leftcenterrightdel
 Ruộng thí nghiệm đánh giá 800 tổ hợp lai ngô nếp, ngô ngọt trong vụ Xuân 2023 tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
leftcenterrightdel
Các nhà chọn giống ngô thế hệ mới tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 
  

Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất mong được sự hợp tác, đồng hành cùng doanh nghiệp và địa phương để tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích gieo trồng các giống ngô mới góp phần nâng cao năng suất và thu nhập từ ngô cho bà con nông dân. Cùng với đó, sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính thông qua các đề tài, dự án, và ủng hộ về cơ chế, chính sách của các bộ, ban, ngành và các cơ quan hữu quan là yếu tố quan trọng giúp Viện đẩy mạnh hơn nữa các chương trình chọn tạo, phát triển các giống ngô thế hệ mới, đóng góp thiết thực, hiệu quả và góp phần hiện thực hóa chủ trương tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác chọn tạo, sản xuất hạt giống của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Ban Khoa học và Công nghệ

Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng