Trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu giữa Đại học Ghent và VNUA, TS. Daylan Tzompa đã đến VNUA làm việc với nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Thị Định – Trưởng Bộ môn Công nghệ chế biến – Khoa Công nghệ thực phẩm, đồng thời là thành viên nhóm Nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến sản phẩm thực vật”. Nhân cơ hội này, PGS.TS. Trần Thị Định đại diện nhóm nghiên cứu mạnh và các thành viên đã tổ chức mời diễn giả TS. Dr. Daylan Tzompa đến từ Khoa Công nghệ Thực phẩm, An toàn và Sức khỏe, Đại học Ghent -  Bỉ trình bày seminar khoa học với chuyên đề “Côn trùng được sử dụng như thực phẩm: từ giá trị dinh dưỡng đến ứng dụng thực phẩm” vào ngày 21/10/2022.

Thành phần tham dự buổi hội thảo quốc tế gồm các thành viên nhóm nghiên cứu mạnh – chủ trì hội thảo, cán bộ giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giảng viên đến từ Đại học Nha Trang, các em sinh viên và các học viên đang theo học chương trình thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm (chương trình tiếng Việt và quốc tế). Mục đích của buổi seminar là giúp giảng viên, học viên cao học và sinh viên của khoa cập nhật thông tin khoa học bổ ích trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, tiếp cận những xu hướng mới của khoa học thực phẩm.

Mở đầu chương trình, PGS.TS. Trần Thị Định – Đại diện nhóm nghiên cứu mạnh đã giới thiệu sơ lược lý lịch khoa học của TS. Daylan Tzompa và nhóm nghiên cứu của bà. Tiếp theo, TS. Daylan Tzompa trình bày rất ấn tượng kết quả khảo sát về người tiêu dùng tại Bỉ, Trung Quốc, Ý, Mexico và Mỹ đều chấp nhận côn trùng như nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mức độ chấp nhận côn trùng được sử dụng như thực phẩm phụ thuộc vào tuổi, giới tính và loại côn trùng. Trong tương lai, sản phẩm sản xuất từ côn trùng có thể ở dạng đông lạnh, dạng bột, phối trộn trong thực phẩm dạng snack, thậm chí ứng dụng phối trộn trong lĩnh vực mỹ phẩm. Trong nghiên cứu chuyên sâu về thành phần hóa học cũng như chỉ ra giá trị dinh dưỡng của côn trùng, TS. Daylan Tzompa đã trình bày những nghiên cứu rất mới và ấn tượng về thành phần và hàm lượng của acid béo thuộc nhóm ω-3 và ω-6, vitamin D3….. Các kết quả về thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của côn trùng đều được so sánh với các nhóm thực phẩm phổ biến từ động vật (thịt, cá, trứng, sữa và sản phẩm chế biến từ sữa) và thực vật (đậu, đỗ, ngô). Bên cạnh đó, TS. Daylan Tzompa trình bày quy trình tách chiết các thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe từ các loại côn trùng (dế mèn, trâu trấu, nhộng tằm …) và phương pháp phối trộn với các sản phẩm thực phẩm như bánh quy, bánh mỳ… Tất cả những nghiên cứu này đều được công bố trên tạp chí quốc tế nổi tiếng về lĩnh vực khoa học thực phẩm.

Sau bài chia sẻ của TS. Daylan Tzompa là những thảo luận sôi nổi giữa diễn giả và giảng viên, sinh viên, đặc biệt các học viên cao học trong nước và quốc tế. Kết thúc chương trình, PGS.TS. Trần Thị Định thay mặt giảng viên, sinh viên và học viên của khoa CNTP gửi lời cảm ơn đến TS. Daylan Tzompa đã chia sẻ một báo cáo vô cùng mới, ấn tượng và giàu thông tin hữu ích.

Một số hình ảnh của buổi seminar khoa học quốc tế

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
  

Vũ Thị Hạnh – Nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến sản phẩm thực vật

Khoa Công nghệ thực phẩm