Ở xã Bản Sen huyện Vân Đồn, phần lớn ngư dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng lồng bè, vật liệu truyền thống phao xốp, tre, gỗ. Phao xốp có độ nổi mặt nước tốt, nhưng độ bền sử dụng của phao trung bình chỉ từ 2 đến 3 năm. Nuôi trồng thủy sản bằng sử dụng phao xốp, lồng, bè gỗ nên mỗi khi mưa bão bị thiệt hại rất nặng nề. Khi có tác động của thời tiết mưa bão sẽ phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng hệ sinh thái. Lồng, bè bằng gỗ không chịu đựng được sóng gió, nhất là khi gió bão mạnh.

Thực hiện triển khai các quy định luật pháp, Nghị định, Quyết định, Nghị quyết về chuyển đổi vật liệu nổi, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội ở xã Bản Sen đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được yêu cầu của việc chuyển đổi vật liệu phù hợp trong nuôi trồng thủy sản và tích cực thực hiện.

HDPE là vật liệu được xã Bản Sen chuyển đổi trong nuôi trồng thủy sản. Hight Density Poli Etilen hay Polyethylene High-Density là tên họ đầy đủ của vật liệu HDPE. Vật liệu nhựa này có nguồn gốc khai sơ từ PolyEthylene. Nhựa HDPE ra đời bằng cách xâu chuỗi liên tiếp những phản ứng của phân tử Ethylene với nhau. Vào khoảng năm 1950, vật liệu nhựa HDPE được chính thức tham gia vào ngành sản xuất đồ nhựa của thế giới. Ưu điểm là sản phẩm tái chế được, giúp giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường; khả năng chống va đập cao, có thể chịu được sự tác động từ trọng lực lớn; trọng lượng nhẹ; chịu được các hóa chất mạnh, không bị ăn mòn, có khả năng chống nấm mốc, côn trùng hay các loài gặm nhấm phá hoại; độ dẻo dai cao cho phép tạo thành nhiều hình dạng khác nhau theo nhu cầu sử dụng; dưới 40 độ C sản phẩm từ nhựa HDPE vẫn giữ nguyên hình dáng.

Sử dụng phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, tuổi thọ là khoảng 30 đến 50 năm, có thể thích ứng được với sóng to, gió lớn. Vật liệu nhựa HDPE rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét bởi môi trường nước biển. Chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản bằng nhựa HDPE còn thân thiện với môi trường, hạn chế bị ảnh hưởng tới môi trường nước, con giống sinh trưởng khỏe mạnh.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen, huyện Vân Đồn cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 890 hộ dân NTTS, trong đó 70% diện tích vẫn đang sử dụng phao xốp. Loại vật liệu này trong khoảng từ 2 đến 3 năm là bị hỏng, không sử dụng được, vì vậy mỗi lần thay thế lượng rác thải ra môi trường rất lớn. Chúng tôi đang tích cực vận động một số hộ có điều kiện kinh tế thực hiện chuyển đổi sang vật liệu HDPE trước, sau đó sẽ vận động các hộ còn lại, tiến tới 100% các hộ NTTS trên địa bàn sử dụng vật liệu nổi đạt quy chuẩn của tỉnh.”

Kết quả trong 3 năm 2019-2022, xã Bản Sen đã triển khai tuyên truyền, vận động thực hiện chuyển đổi phao xốp: Luỹ kế thực hiện cắt bỏ được 160.250 quả phao xốp (trong đó tổ chức ra quân cao điểm tháng 8 + Tháng 9/2022 cắt được: 18.740 quả phao xốp); Luỹ kế đến tháng 9 năm 2022 đã chuyển đổi được 113.272 quả phao HDPE (trong đó Tháng 8 + Tháng 9/2022 đã chuyển đổi được: 23.832 quả phao HDPE).

Một số khó khăn khi chuyển đổi vật liệu trong nuôi trồng thủy sản ở xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

Mặc dù người dân đều cho rằng việc chuyển đổi vật liệu rất phù hợp để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, nhưng giá trị đầu tư cho mỗi lồng nuôi bằng vật liệu HDPE gấp 4-5 lần so với lồng gỗ truyền thống. Chi phí đầu tư ban đầu rất lớn gây khó khăn của hầu hết người nuôi trồng thủy sản trên biển nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp. Trung bình một dàn bè hàu khoảng 30 dây, mỗi dây cần khoảng hơn 70 quả phao nổi buộc cách nhau 3m. Với giá 83.000đ/quả, chi phí cho một dàn hàu nuôi chuyển đổi từ phao xốp sang phao nổi HDPE sẽ rất lớn. Một ô lồng có diện tích khoảng 9m2, nếu sử dụng vật liệu phao, xốp chi phí khoảng 7-8 triệu đồng, nhưng nếu là nhựa HDPE thì lên tới 20 triệu đồng.

Các cơ sở và hộ gia đình NTTS nói chung vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trước đây. Khi dịch Covid-19, bình quân giá bán các loại thủy sản thấp hơn so với các vụ trước dẫn tới người nuôi thủy sản vẫn còn khó khăn để có thể đầu tư mua phao nổi bằng HDPE phù hợp quy chuẩn địa phương để thay thế phao xốp.

Nhiều hộ NTTS từ nhiều năm nay có thói quen sử dụng phao xốp trong NTTS nên tâm lý vẫn còn tâm lý e ngại chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn.

Một số kinh nghiệm trong chuyển đổi vật liệu trong nuôi trồng thủy sản ở xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

Chính quyền phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổi trong NTTS tổ chức tuyên truyền đến từng xã, từng cơ sở NTTS về tác hại của phao xốp, lồng gỗ, tre cũng như lợi ích NTTS bằng vật liệu đạt quy chuẩn. Trong quá trình tuyên truyền kết hợp vận động các hợp tác xã, cán bộ, đảng viên nêu gương thực hiện việc chuyển đổi vật liệu NTTS.

Ngân hàng có chính sách hỗ trợ lãi suất để người dân vay vốn chuyển đổi lồng nuôi bằng gỗ sang vật liệu HDPE. Các doanh nghiệp có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cung ứng sản phẩm vật liệu để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Chính quyền tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc giao, cho thuê mặt nước biển, bãi triều qua đó đảm bảo quản lý Nhà nước và thực tế sử dụng diện tích nuôi trồng của người dân.

Chính quyền địa phương tăng cường hoạt động kết nối với các đơn vị sản xuất để cung cấp danh mục, chủng loại, vật liệu, giá cả thông tin rộng rãi cho người dân nắm bắt để lựa chọn đầu tư phục vụ sản xuất.

Các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu các hộ không mua mới các phao xốp phục vụ làm vật liệu NTTS, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, vấn đề thu gom, tiêu hủy các phao xốp sau khi thay thế cũng cần được tính đến để đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.

Trần Khánh Dư – Khoa Khoa học xã hội