Chiều ngày 17/10/2019, nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp tổ chức buổi seminar với bài trình bày về “The efficiency of rice farming in flood prone areas of East Java, Indonesia - Hiệu quả sản xuất lúa ở những vùng dễ bị ngập lụt phía đông đảo Java, Indonesia” của Tiến sĩ Ernoiz Antriyandari thuộc Khoa Nông nghiệp, Đại học Sebelas Maret, Indonesia.

 

PGS. TS. Phạm Bảo Dương – Phó trưởng Khoa Kinh tế và PTNT tặng quà lưu niệm cho TS. Antriyandari


Bài trình bày đã nhấn mạnh vai trò của sản xuất gạo trong nền nông nghiệp Indonesia nói chung và phía đông đảo Java nói riêng – nơi có tổng sản lượng và diện tích trồng lúa cao nhất cả nước. Bằng việc sử dụng Hàm sản xuất biên ngẫu nhiên (Stochastic Frontier Production Function), nghiên cứu đã ước lượng được mức hiệu quả của sản xuất lúa tại vùng này (đạt 76,05%). Một số yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất lúa được tác giả chỉ ra như diện tích nông trại, tuổi của chủ hộ, trình độ của chủ độ, quyền sử dụng đất, tình trạng tham gia các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp.

Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến bình luận và chia sẻ của các giảng viên Khoa Kinh tế và PTNT. Các ý kiến đều cho rằng những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất lúa của Indonesia tương đồng với điều kiện sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nghiên cứu của Tiến sĩ Antriyandari sẽ trọn vẹn hơn nếu như làm rõ được bối cảnh đất đai bị ngập úng, cũng như các điều kiện thời tiết khác trong mô hình ước lượng các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất lúa. Ngoài ra, các giảng viên Khoa Kinh tế và PTNT cũng đã chia sẻ với Tiến sĩ Antriyandari về tình hình sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, Việt Nam.