Chế tạo máy sấy thóc cơ động cỡ nhỏ ứng dụng công nghệ sấy đảo chiều gió
Cập nhật lúc 14:43, Thứ tư, 11/04/2018 (GMT+7)
Đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng trọng điểm nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng của cả nước. Việc thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất lúa gạo nói riêng cho vùng đang là bức thiết đối với xu thế hiện nay. Tuy nhiên hiện tại, việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa mới tập trung ở một số khâu như: Cơ giới hoá khâu làm đất: Cơ giới hoá khâu gieo - cấy; Cơ giới hoá khâu thu hoạch, sấy.
Trong đó, khâu thu hoạch được quan tâm nhiều hơn, khâu làm khô (sấy) ở còn ít được nông dân quan tâm đầu tư. Nông dân chủ yếu áp dụng phương pháp thủ công, phơi tự nhiên. Thời gian phơi lúa trong ngày tuỳ thuộc vào giờ nắng. Phương pháp làm khô này rất bị động vào mùa mưa (nhất là thu hoạch lúa Hè - Thu). Do chưa sản xuất lúa quy mô hàng hóa, tập trung như vùng ĐBSCL, nếu đầu tư máy sấy, chi phí lớn, thời gian sử dụng trong năm ít, hiệu quả kinh tế sẽ không cao nên nông dân chưa muốn đầu tư.
Để giải quyết vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất lúa của người dân, hạn chế những hao hụt trong quá trình sau thu hoạch, phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ, nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam do TS. Tống Ngọc Tuấn làm trưởng nhóm đã nghiên cứu, chế tạo và làm chủ công nghệ sấy thóc vỉ ngang đảo chiều gió. Hệ thống tháo lắp đơn giản, tiết kiệm năng lượng, các bộ phận của máy sấy được liên kết với nhau bằng các ống mềm linh hoạt, phù hợp với nhiều quy mô sản xuất khác nhau đặc biệt là đáp ứng được sản xuất và quy mô sản xuất lúa của đồng bằng sông Hồng.
Hệ thống sấy được thiết kế dạng modun tháo lắp nhanh (khoảng 45 phút), khi cần thay đổi năng suất có thể thay số modun, hoặc thay đổi bề dầy lớp hạt (bề dầy tối đa là 600mm). Thời gian sấy 1 mẻ từ 10 – 12 giờ. Trong quá trình sấy có đổi chiều gió do đó giảm công đảo thóc và độ khô đồng đều cao. Nhiên liệu đốt có thể được tận dụng từ phế phụ phẩm nông nghiệp.
Với kết quả nghiên cứu thành công này, nhóm nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các vùng sản xuất lúa gạo trên cả nước.
Thông tin công nghệ:
TS. Tống Ngọc Tuấn – ĐT: 0904117812
ThS. Hoàng Xuân Anh - ĐT: 0914420270
Khoa Cơ Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.