\r\n Chăn nuôi nông hộ ở nước ta hiện nay luôn luôn giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế và trong việc cung cấp thực phẩm cho toàn dân. Với khoảng 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và 4 triệu hộ chăn nuôi lợn, sản lượng thịt lợn và gia cầm do các hộ chăn nuôi này sản xuất hàng năm vẫn chiếm 60-70% tổng lượng thịt toàn quốc. Thu nhập về chăn nuôi luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập của hộ nông dân, riêng thu nhập về chăn nuôi lợn của các hộ nông dân ở vùng Đông Bắc hay đồng bằng Sông Hồng đã chiếm từ 50-61% tổng thu nhập của mỗi hộ (Đinh Xuân Tùng và cs., 2011).

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Chăn nuôi lợn nông hộ ở vùng đồng bằng như đồng bằng Sông Hồng hay đồng bằng Sông Cửu long không còn là chăn nuôi nhỏ lẻ. Số lượng lợn trung bình thường xuyên có mặt ở các hộ nông dân là 125,6 con/hộ; trong đó lợn nái là 17,13 (giao động từ 8-35 con), lợn thịt là 108,5 con/hộ (giao động từ 22-180 con) (Trần Quốc Việt và cs., 2011). Chăn nuôi nông hộ cũng không còn là chăn nuôi phân tán nữa mà là chăn nuôi tập trung theo quy mô thôn xã (trong một xã có tới 50-60% số hộ có chăn nuôi).

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Các hộ chăn nuôi tuy đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, xử lý chất thải, vệ sinh thú y… nhưng vẫn còn gặp nhiều bất cập.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Bất cập đầu tiên phải kể đến là vấn đề ô nhiễm môi trường. Ở một xã, nếu số hộ chăn nuôi lợn chỉ chiếm 20-30% tổng số hộ thì hầm biogas là giải pháp hiệu quả cho việc xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng nếu số hộ chăn nuôi lợn chiếm tới 50-60% thì hầm biogas đã có những hạn chế. Lượng nước thải từ hầm biogas của từng hộ dồn chung vào nguồn nước thải của xã, nguồn nước thải này thường không được xử lý, vẫn nhiễm khuẩn và lại là nguồn gây bệnh cho gia súc, gia cầm trong toàn xã và các vùng xung quanh. Thực tế này đã thấy ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, toàn xã có gần 67ngàn con lợn có mặt thường xuyên trong chuồng, có tới 1760 hộ chăn nuôi lợn (chiếm 80% tổng số hộ của xã); mọi hệ thống xử lý chất thải (biogas) của xã đã quá tải, vấn đề ô nhiễm chăn nuôi vẫn là vấn đề nhức nhối.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Bất cập thứ hai là vấn đề thức ăn. Các hộ chăn nuôi lợn thịt hầu như đều dùng 100% thức ăn công nghiệp, chỉ có một số ít hộ nuôi lợn nái sử dụng một phần nhỏ thức ăn xanh (khoảng 12,5% theo Trần Quốc Việt và cs., 2011) kết hợp với thức ăn công nghiệp. Vấn đề vệ sinh an toàn sản phẩm chăn nuôi phụ thuộc rất lớn vào chất lượng vệ sinh an toàn thức ăn công nghiệp, trong đó có vấn đề tồn dư kháng sinh vì 100% thức ăn công nghiệp đều chứa kháng sinh, kháng sinh dùng để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Một bất cập khác nữa không kém quan trọng, đó là vấn đề sử dụng thuốc thú y để phòng và chữa bệnh. Chi phí thú y cho chăn nuôi lợn chiếm tới 8-10%, trong khi chi phí này theo thiêu chuẩn chăn nuôi an toàn chỉ chiếm có 2-3%. Người ta không thể không ngạc nhiên khi biết rằng, một con lợn giống từ lúc đẻ ra cho đến lúc xuất chuồng bình thường phải chích tới 17 mũi thuốc, mũi chích đầu tiên ngay từ lúc 1 ngày tuổi cho đến mũi chích cuối cùng ở ngày tuổi thứ 90, bao gồm các vacxin khác nhau và các kháng sinh phòng bệnh.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Tình trạng sử dụng kháng sinh phòng và kích thích tăng trưởng tràn lan ở lợn và gia cầm đã gây hiện tượng kháng thuốc trẩm trọng. Ở Việt Nam, tỷ lệ vi khuẩn kháng methicillin cao nhất châu Á (74,1%) (dẫn theo P. Olivier và cs.). Thuật ngữ kháng methicillin được viết tắt là MRSA (methicillin-resistant Staphylococcus aureus), vi khuẩn Staphylococcus aureus gây những tổn thương ở da và ăn sâu vào mô mềm, hầu như kháng lại hoàn toàn với nhóm kháng sinh methicillin như penicillins, dicloxacillin, naflocillin, oxacillin…, bệnh rất khó điều trị và có thể gây tử vong cho người bị nhiễm.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Việc sử dụng thức ăn công nghiệp và thuốc thú y trong chăn nuôi nông hộ hay trang trại đã làm cho nền chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn và nguồn dược liệu nước ngoài. Hàng năm giá trị nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y lên tới hàng tỷ đô la, trong khi đó giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lợn, bò, gà hầu như không đáng kể.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Để khắc phục những bất cập nêu trên nhằm phát triển chăn nuôi nông hộ một cách an toàn và hiệu quả cần có cách tiếp cận mới.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Khâu đầu tiên trong cách tiếp cận mới này vẫn là  xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Tuy nhiên, xử lý ô nhiễm môi trường không chỉ là xử lý chất thải bằng hầm biogas mà bằng cả kỹ thuật đệm lót sinh học. Khâu tiếp theo là phát triển ấu trùng của ruồi đen (Hermetia illucens), phát triển việc nuôi giun như giun quế (Perionyx excavatus) hay giun đỏ (Lumbricus rubellus), vừa để xử lý phân và chất thải, nhưng cũng để có thêm nguồn protein để nuôi gia súc, gia cầm và cá. Tận dụng các phụ phẩm công nông nghiệp, tăng cường sử dụng thóc gạo thay thế ngô, chế biến thức ăn  bằng con đường vi sinh cũng là một khâu quan trọng trong cách tiếp cận mới.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Cách tiếp cận mới nói trên đã được thể hiện trong các hoạt động của dự án ILRI-HAU-IFPRI-FAO PPLPI và đang được triển khai ở nước ta (Paul Olivier và cs.).

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n ● Về đệm lót sinh học

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Đệm lót sinh học là một lớp đệm dày 60cm bao gồm tro than hút ẩm, trấu và rơm cắt nhỏ…được trộn với chế phẩm vi sinh có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu, hình thành một lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn bệnh và ký sinh trùng, loại bỏ ruồi muỗi, không mùi hôi. Để nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học mỗi lợn thịt cần 1,5m2 và một lợn nái cần 9 m2 chuồng (H. 1).

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Chăn nuôi lợn, trâu bò hay gia cầm trên nền đệm lót sinh học đều rất hiệu quả. Đối với chăn nuôi lợn, lượng nước có thể tiết kiệm tới 80% (cần chú ý rằng nếu dùng hầm biogas thì mỗi ngày cần 150 lit nước/lợn để rửa và dồn phân vào hầm biogas và tính ra một đời lợn thịt cần tới 18 tấn nước),  chi phí lao động cũng giảm 60% do không phải tắm cho lợn và rửa chuồng. Lợn ít bệnh, hạn chế việc sử dụng kháng sinh, giảm chi phí thuốc thú ý, lợn không bị stress do sống chật chội, không được ủi bới, lợn mau lớn, giảm chi phí thức ăn, chất lượng thịt ngon…

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Nuôi lợn hay gà trên nền đệm lót sinh học đã được triển khai ở hàng nghìn cơ sở chăn nuôi thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước như Phú thọ, Bắc giang, Quảng ninh, Hà nam, Nam định, Hưng yên, Thanh hóa, Hậu giang, Đồng tháp, Bến tre, Tây ninh (báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT số 2886/BC-BNN-CN).

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n H.1: Chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Nuôi lợn có sử dụng hầm biogas, nền chuồng phải là nền cứng bằng gạch hay bê-ton. Lợn đứng trên nền cứng và ẩm ướt có tác động rất xấu đối với xương chi và móng, nhất là đối với lợn nái sinh sản. Hội chứng “yếu chân” (osteochondrosis) là thuật ngữ thường gắn với hệ thống chăn nuôi trên nền cứng và phổ biến ngay cả trong hệ thống chăn nuôi hiện đại.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Sức nặng của cơ thể đè lên xương chi, làm giảm lượng cung cấp oxy cho mô sụn của các khớp, gây tổn hại cho sinh trưởng của sụn, sụn bị thay bằng các mô xơ, xương bị cong vênh. Lợn con 2 tháng tuổi, sụn đã bị tổn thương, bị nứt rạn, tăng trưởng bị giảm. Lợn nái chân yếu, các khớp bị viêm, đầu gối thường cong vào phía trong, chân trước có thể bị vẹo, lợn ít đứng và ngồi như tư thế của chó, lợn nái nuôi con di chuyển khó khăn dễ đè chết con, sức sinh sản bị giảm. Trong các trại lợn giống, kể cả những trại giống tiên tiến vẫn có tới 20-30% lợn đực và nái bị loại bỏ do chân yếu hay biến dạng.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Nền chuồng cứng được thay bằng nền đệm lót sinh học là một lớp đệm mềm và khô ráo giúp hạn chế rất hiệu quả hội chứng “yếu chân”. Ngoài ra, lợn còn được đi lại, ủi bới trong một không gian không quá chật chội, lợn nái nuôi con không bị “cầm tù” trong một cái lồng hẹp kích cỡ chỉ có 60 x 240cm, lợn sẽ tiết nhiều sữa hơn, lợn con ít bệnh hơn, mau lớn, tuổi sản xuất của lợn mẹ kéo dài thêm (số lứa đẻ tính trên một đời sản xuất từ 5 lứa có thể tăng lên 10 lứa). Quyền động vật (animal welfare) được cải thiện, tạo điều kiện hòa nhập vào nền “chăn nuôi văn minh” của thế giới.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n ● Về ấu trùng ruồi đen và giun đỏ, giun quế

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Ruồi đen có tên tiếng Anh là Black Soldier Fly thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia,

\r\n

\r\n loài H. illucens. Ấu trùng của loài ruồi này là loại côn trùng phàm ăn trong thế giới tự nhiên. Chúng có thể làm giảm khối lượng và thể tích của chất thải chỉ trong vòng 24 giờ. Chỉ trong 1m2 ấu trùng ruồi, chúng có thể ăn tới 40kg phân lợn tươi mỗi ngày. Và cứ 100kg phân có thể cho 18kg ấu trùng. Ấu trùng rất giầu các chất dinh dưỡng như protein (42%), chất béo (34%) và là nguồn thức ăn tốt cho lợn, gia cầm và cá. Chất béo của ấu trùng ruồi đen có tới 54% là axit lauric, một axit có tác dụng tiêu diệt virus có vỏ bọc bằng lipid (như virus HIV và sởi) cũng như Clostridium và các protozoa gây bệnh. Protein của ấu trùng ruồi rất giầu lysine và là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng tương đương như huyết thanh phun khô dùng cho lợn cai sữa sớm.

\r\n\r\n \r\n \r\n \r\n \r\n \r\n \r\n
\r\n

\r\n

\r\n
\r\n

\r\n

\r\n
\r\n

\r\n H.2: Nuôi ấu trùng ruồi đen bằng các phế thải hữu cơ

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Chất thải của ấu trùng ruồi đen được dùng để nuôi giun như giun đỏ (Lumbricus rubellus), giun quế (Perionyx excavatus). Giun đỏ nuôi trên chất thải của ấu trùng ruồi đen lớn nhanh hơn 2-3 lần so với nuôi trên chất thải là phân ủ. Ấu trùng ruồi đen ăn chất thải thối rữa mà đôi khi giun đỏ không ăn, trong khi giun đỏ lại có thể ăn những nguyên liệu giầu chất xơ mà ấu trùng ruồi đen không ăn. Hai loại côn trùng này phối hợp với nhau có tác dụng phân hủy rất tốt phân và các chất thải khác nhau.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Trong ruột giun chứa hàng triệu vi khuẩn hiếu khí có vai trò phân giải các sinh khối hữu cơ, hóa chất và cũng là tác nhân kích thích sinh học. Một quần thể giun 15 ngàn con nuôi tạo hàng tỷ vi khuẩn trong một thời gian ngắn. Chính quần thể vi khuẩn này giữ vai trò phân giải các chất hữu cơ của chất thải và chính các enzyme trong ruột giun  như protease, lipase, amylase, cellulose, chitinase cũng là những tác nhân phân giải các vật liệu giầu protein và xơ trong chất thải hữu cơ. Trong quá trình phân hủy chất thải, giun thải dịch chất từ ruột và dịch chất này có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn bệnh trong khối phân ủ (Sinha Rajiv K. và cs., 2010). Phân ủ từ giun cũng là nguồn phân bón tốt cho cây trồng (H.3), giá phân giun ở nước ta lên tới 500 USD/tấn.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Kỹ thuật nuôi ấu trùng ruồi đen, giun đỏ hay giun quế là kỹ thuật đơn giản, dụng cụ nuôi rẻ tiền, dễ kiếm. Phân thải của lợn, gà hay trâu bò và các chất thải hữu cơ khác trong sinh hoạt gia đình là nguồn thức ăn của ấu trùng ruồi. Chất thải của ấu trùng ruồi lại là nguồn thức ăn của giun. Các cơ quan khoa học là các đơn vị cung cấp giống hoặc hướng dẫn sản xuất giống (giống ruồi đen và giun) cho các hộ chăn nuôi.

\r\n

\r\n  

\r\n\r\n \r\n \r\n \r\n \r\n \r\n \r\n
\r\n

\r\n

\r\n
\r\n

\r\n

\r\n
\r\n

\r\n H.3: Giun đỏ phân hủy mạnh các phế thải hữu cơ, sản phẩm phân hủy của giun đỏ là nguồn phân bón tốt

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n ● Về tăng cường sử dụng lúa gạo và tận dụng phụ phẩm công nông nghiệp

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Các hộ chăn nuôi của vùng lúa - mầu, ngoài các phụ phẩm của hạt cốc có thể tận dụng các phụ phẩm rau, củ và quả. Các hộ chăn nuôi vùng duyên hải có thể tận dụng các nguồn phụ phẩm tôm cá như đầu cá, vỏ tôm và các phế liệu của các nhà máy chế biến thủy sản. Các hộ chăn nuôi ven đô có thể tận dụng các nguồn thức ăn thừa bỏ của nhà hàng, các nguồn phụ phẩm lò mổ. Các hộ chăn nuôi trong vùng chế biến tinh bột, nấu rượu… có thể tận dụng các phụ phẩm của các ngành nghề này như bã sắn, bã rong diềng, bỗng bã rượu…

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Tất cả các phụ phẩm rau củ quả hay phụ phẩm tôm cá cần chế biến theo phương pháp lên men chua (lên men bằng vi khuẩn lactic). Thức ăn thừa bỏ của nhà hàng, phụ phẩm lò mổ cần nấu chín. Lợn con theo mẹ, ngay khi còn non cần được cho bú thêm sữa chua (sữa bò cho lên men vi khuẩn lactic) để vi khuẩn probiotic được khu trú sớm trong ruột, nâng cao sức khỏe ruột, hạn chế tiêu chảy, từ đó hạn chế việc lạm dụng kháng sinh và giảm chi phí thuốc thú y.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Các hộ có đất trồng trọt cần trồng rau xanh, rau xanh vừa dùng cho người vừa dùng để chăn nuôi lợn, gia cầm. Lợn nái sinh sản được bổ sung rau cỏ xanh hàng ngày đẻ mắn hơn, tiết nhiều sữa hơn, con ít bệnh tật hơn.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Khi nguồn thóc lúa dồi dào, giá thóc rẻ hơn giá ngô thì sử dụng gạo lật thay ngô, hạt mì (gạo lật là thóc đã loại bỏ toàn bộ trấu) trong các khẩu phần cho lợn và gia cầm. Các nghiên cứu khoa học của thế giới đều khẳng định rằng gạo lật có thể thay thế hoàn toàn ngô, mì trong các khẩu phần này.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Chăn nuôi nông hộ cần giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Biện pháp khả thi là

\r\n

\r\n tận dụng tối đa các loại phụ phẩm công nông nghiệp, tăng cường sử dụng gạo lật thay ngô. Các hộ có điều kiện thì nên tự chế biến thức ăn và chỉ mua phụ gia như premix khoáng-vitamin, enzyme, probiotic… bổ sung vào thức ăn chế biến.

\r\n

\r\n Các khâu kỹ thuật trong cách tiếp cận trên giúp cho chăn nuôi nông hộ gắn chặt hơn với trồng trọt, với hệ thống sản xuất lúa gạo của Việt Nam, hạn chế tối đa ô nhiễm, hạn chế bệnh tật cho người và vật nuôi, giảm sử dụng kháng sinh và thuốc thú ý, giảm phụ thuộc vào nguồn thức ăn và hóa dược nhập từ nước ngoài, nhờ vậy chăn nuôi sẽ an toàn và hiệu quả hơn.

\r\n

\r\n GS Vũ Duy Giảng

\r\n

\r\n Trường Đại Học Nông nghiệp Hà Nội

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Để viết bài báo này tác giả tham khảo các tài liệu chính sau:

\r\n

\r\n 1.      Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2013: Báo cáo ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn. Số 2886/BC-BNN-CN, ngày 23 tháng 08 năm 2013.

\r\n

\r\n 2. Nguyễn Xuân Trạch, 2013: Chăn nuôi trên nền độn lót chuồng sinh thái (website khoa CN&NTTS), file ppt

\r\n

\r\n 3.  Đinh Xuân Tùng, Đỗ Văn Đức, Hàn Anh Tuấn, Nguyễn Đăng Thanh, Lê Tiến Dũng, 2012: Thực trạng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi lợn ở các tỉnh phía Bắc. Báo khoa học Viện Chăn nuôi năm 2011. Hà Nội tháng 11/2012; pp 315- 327

\r\n

\r\n 4.  Trần Quốc Việt, Trần Thị Bích Ngọc, Lê Văn Huyên, Nguyễn thị Hồng, Trần Việt Phương, Sầm Văn Hải, Ninh Thị Huyền, 2012. Báo khoa học Viện Chăn nuôi năm 2011. Hà Nội tháng 11/2012; pp 338-350

\r\n

\r\n 5.  Olivier Paul, Hien Van Le, Todd Hyman: An Unconventional Way of Raising Pigs (and chickens). Dự án ILRI-HAU-IFPRI-FAO PPLPI, 2008. (http://dl.dropboxusercontent.com/u/22013094/Paper/Summaries/Alternative to Biodigestion.pdf

\r\n

\r\n 6. Sinha Rajiv K., Sunil Heart, Dalsukh Valani and Krunal Chauhan, 2010: Earthworms – The Environmental Engineers: Review of Vermiculture Technologies for Environmental Management & Resource Development. Int. J. Environmental Engineering(earthworms - the environmental engineers review of vermiculture technologies for environmental management & resource development)

\r\n