\r\n Thịt cá lăng là món ăn đặc sản rất được ưa thích hiện nay, cá lăng có rất nhiều loài như cá lăng nha, cá lăng chấm và gần đây các hộ dân tập trung nuôi cá lăng tàu (tên gọi khác là cá nheo Mỹ hay cá ngạnh Trung Quốc). Cá lăng tàu có hai loài là cá lăng vàng và cá lăng đen. Cá lăng vàng có giá thương phẩm cao hơn cá lăng đen, nhưng khi nuôi thường có tốc độ sinh trưởng chậm hơn nên các hộ dân thường tập trung nuôi cá lăng đen. Giá cá lăng đen dao động trong khoảng 70-120.000 đ/kg ở kích cỡ thương phẩm (2-2,5 kg/con). Hiện, giá thành chi phí cho nuôi đối tượng này khoảng 40-45.000 đ/kg tăng trọng.
\r\n
\r\n Nhằm nhân rộng loại hình này, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang ương giống trong các ao ương của Học viện để cung cấp cho bà con nuôi cá lồng khu vực phía Bắc. Ngoài việc cung cấp cá giống, các giảng viên còn tư vấn kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
\r\n
\r\n Để phòng tránh dịch bệnh khi nuôi cá lăng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (đại diện là Tiến sĩ Kim Văn Vạn, Trưởng Bộ môn Môi trường và Bệnh Thủy sản) đã hợp tác nghiên cứu với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản (đại diện là Thạc sỹ Nguyễn Anh Hiếu). Nghiên cứu cho thấy cá lăng có nhiễm các tác nhân gây bệnh thông thường như: trùng bánh xe, sán lá đơn chủ, trùng quả dưa (chủ yếu ở giai đoạn cá hương), nấm Saprolegnia (chủ yếu ở mùa đông và đông xuân), vi khuẩn Edwardsiella sp. (mùa đông xuân ở giai đoạn cá thương phẩm gây bệnh gan thận mủ) và chưa thấy tác nhân gây bệnh là virus. Nhìn chung, các tác nhân gây bệnh đã phát hiện đều có thể kiểm soát thông qua biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp cho cá ương, nuôi và xử lý hiệu quả khi bệnh xảy ra.
\r\n
\r\n Để giảm rủi ro cho cho người nuôi, các hộ dân nên ương cá lăng giống trong ao đất tới khi đạt 0,3-0,5 kg/con rồi chuyển ra nuôi lồng. Khi nuôi có thể sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao (35-40% protein ở giai đoạn cá hương, cá giống; 28-30% protein ở giai đoạn cá thịt). Cũng có thể sử dụng nguồn cá tạp sẵn có rẻ tiền ở địa phương (nhưng khi nuôi bằng thức ăn này các hộ dân cần lưu ý vấn đề ô nhiễm môi trường, lây lan bệnh truyền nhiễm và bệnh ký sinh trùng thông qua thức ăn tươi sống), và hạn chế đánh bắt, vận chuyển đối tượng nuôi này trong vụ đông, đông xuân vì bệnh nấm rất dễ phát sinh nếu thao tác không cẩn thận. Về mùa hè, cần lưu ý những ngày nắng nóng rất dễ xảy ra chênh lệch nhiệt độ gây sốc cho cá khi thu hoạch.
\r\n
\r\n Mọi chi tiết về nguồn giống, cung cấp con giống, tư vấn kỹ thuật ương nuôi và phòng trị bệnh cho cá lăng, có thể liên hệ trực tiếp với Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo số điện thoại: 01697565927.
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Cá lăng vàng (Cá nheo Mỹ)
\r\n
\r\n (Ictalurus punctatus, Rafinesque, 1818)
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Cá lăng đen (Cá nheo Mỹ)
\r\n
\r\n Kim Văn Vạn
\r\n
\r\n Bộ môn Môi trường và Bệnh Thủy sản
\r\n