Thực hiện quy trình phục tráng và phát triển bền vững giống cam Thanh Lân, tại huyện Cô Tô, Quảng Ninh, ngày 2/1/2018, tại xã Thanh Lân, huyện Vân Đồn, Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng - Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị bình tuyển công nhận cây đầu dòng giống cam Thanh Lân trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học “Khai thác và phát triển nguồn gen cam Thanh Lân tại huyện đảo Cô Tô” do TS. Hoàng Đăng Dũng làm chủ nhiệm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì.

Cam Thanh Lân, được người dân trên đảo trồng và khai thác từ những năm đầu của thế kỷ XX. Giống có khả năng sinh trưởng khoẻ, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu trên đảo, cây có tán hình bán cầu, lá màu xanh đậm, trung bình một năm có 3 đợt lộc chính. Cây ra hoa vào giữa tháng 2, kết thúc nở hoa vào giữa đến cuối tháng 3. Quả  tròn hơi dẹt, vỏ quả có màu đỏ cam, khối lượng trung bình đạt từ 125-155g. Vỏ dễ tách và tép có màu đỏ cam, vị thơm, ngọt thanh. Tỷ lệ phần ăn được của quả đạt từ 82,0% - 92,0%. Độ brix 9 – 11, năng suất trung bình đạt từ 48 – 56 kg quả/cây/năm, thời gian kết thúc thu hoạch khá muộn (từ 22 - 28/01).

Nhóm triển khai nhiệm vụ đã theo dõi, lựa chọn, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của giống cam Thanh Lân trên địa bàn xã Thanh Lân. Qua đó, đã lựa chọn được 20 cây cam Thanh Lân có đầy đủ các yếu tố, phẩm chất, nhiều đặc điểm nông sinh học giống với giống gốc để lựa chọn, bình tuyển làm cây đầu dòng, như khả năng chống chịu sâu bệnh, có năng suất cao, chất lượng vượt trội so với các cây khác trong cùng điều kiện chăm sóc để theo dõi, nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá, lựa chọn.

Kết quả, các chuyên gia và thành viên trong Hội đồng bình tuyển đã phân tích, bình tuyển, chấm điểm và thống nhất lựa chọn, công nhận một số cây đầu dòng trên giống cam Thanh Lân. Những cây được bình tuyển, công nhận đầu dòng sẽ được lựa chọn làm vật liệu để làm sạch bệnh và nhân giống, phục vụ cho việc mở rộng diện tích sản xuất, cung ứng giống tại địa phương bằng nguồn giống đảm bảo, có chất lượng cao./.