Báo cáo tổng kết đề tài do dự án Việt Bỉ tài trợ năm 2021 Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Hải Ninh
Cập nhật lúc 08:30, Thứ năm, 20/10/2022 (GMT+7)
Ngày 11 tháng 10 năm 2021, Ban Khoa học & Công nghệ phối hợp cùng với Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Học viện “Ảnh hưởng của cơ giới hóa đến sử dụng và trả công lao động trong sản xuất nông nghiệp: Nghiên cứu tại tỉnh Thái Bình, Việt Nam”. Đề tài nằm trong khuôn khổ tài trợ của Dự án Việt Bỉ năm 2021, được thực hiện bởi Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thị Hải Ninh và một số thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý Tài nguyên Môi trường. Kết quả nghiên cứu và các sản phẩm của đề tài đảm bảo về nội dung, số lượng cũng như chất lượng. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt.
Cơ giới hóa nông nghiệp được hiểu là việc sử dụng nhiều nguồn năng lượng khác nhau, nông cụ cải tiến và thiết bị máy móc thay cho sức lao động của con người. Mục đích của cơ giới hóa nông nghiệp là giảm sự vất vả của con người, qua đó nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các đầu vào, giảm tổn thất ở các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất. Nói cách khác, mục tiêu của cơ giới hóa nông nghiệp là nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất. Có hai loại lao động tham gia trong sản xuất nông nghiệp đó là, lao động gia đình và lao động làm thuê.
Cơ giới hóa ảnh hưởng đến cả hai loại hình lao động này nhưng theo những cách khác nhau. Việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mức độ của cơ giới hóa vẫn còn thấp so với các các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc. Đặc biệt trong sản xuất lúa, mức độ cơ giới hóa ở tất cả các khâu canh tác là khá thấp. Tương tự như vậy, mức độ cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản cũng thấp.
Đề tài sử dụng dữ liệu sơ cấp thu thập từ các hộ nông dân trồng lúa và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhằm đánh giá thực trạng cơ giới hóa nông nghiệp và ảnh hưởng của cơ giới hóa đến sử dụng, trả công lao động tại khu vực này. Kết quả phân tích cho thấy cơ giới hóa nông nghiệp khuyến khích các hộ gia đình mở rộng quy mô canh tác lúa vì cơ giới hóa giúp bù đắp sự thiếu hụt lao động nông nghiệp cũng như tăng năng suất đất đai. Sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp và tích tụ ruộng đất là một số động lực thúc đẩy quá trình cơ giới hóa nông nghiệp ở Thái Bình. Ở địa phương này, cơ giới hóa nông nghiệp cũng góp phần tăng thu nhập cho nông dân vì lao động gia đình có nhiều thời gian để làm việc phi nông nghiệp cho thu nhập cao hơn. Cơ giới hóa cũng tạo ra sự cạnh tranh với lao động thủ công trong sản xuất nông nghiệp, giá thuê máy móc thấp khiến lao động thủ công không thể được trả công cao hơn quá nhiều trên thị trường lao động.
Về ý nghĩa kinh tế - xã hội: Kết quả nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hộ nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng phương pháp mô hình nhằm lượng hóa ảnh hưởng của cơ giới hóa đến sử dụng lao động tại các hộ trồng lúa, đây là phương pháp mới thích hợp làm tài liệu tham khảo cho đồng nghiệp và các nghiên cứu có nội dung tương tự về sau.
Một số hình ảnh về Hội đồng nghiệm thu và hoạt động thực địa của đề tài.
Nguyễn Thị Hải Ninh – Nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý TNMT