Thực hiện kế hoạch năm học 2020-2021, Khoa Khoa học xã hội tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Học viện, do dự án Việt - Bỉ tài trợ năm 2020: “Rào cản đối với thanh niên nông thôn trong sản xuất nông nghiệp (Nghiên cứu trường hợp tại xã Bình Hòa –  Giao Thủy –  Nam Định) Mã số: T2020-08-13VB của nhóm nghiên cứu do ThS. Phạm Thị Thu Hà làm chủ nhiệm đề tài.

leftcenterrightdel
 

Sau 12 tháng thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả có giá trị khoa học. Có thể khái quát ở một số nội dung cơ bản sau:

Nông nghiệp, nông thôn là khu vực đặc biệt của nền kinh tế, là một ngành sản xuất vật chất quan trọng. Trong cơ cấu kinh tế quốc dân, GDP do nông nghiệp tạo ra vẫn giữ vị trí hàng đầu, trên 50% giá trị xuất khẩu nông sản, thủy sản. Vì vậy, nông nghiệp được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Hơn thế nữa, việc làm nông nghiệp vốn dĩ là nhu cầu cơ bản của mọi người lao động, nó thực hiện các chức năng kinh tế, tâm lý, xã hội quan trọng trong quá trình đóng góp vào sự phát triển của một quốc gia (Nguyễn Khánh Bình, 2018). Trong khi đó, thanh niên chiếm hơn 53% lực lượng lao động xã hội, là một tiềm năng rất quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Họ tham gia đa dạng vào nhiều nhóm ngành nghề trong và ngoài nước: sản xuất – chế biến, kinh doanh, kiến trúc – xây dựng, công nghệ thông tin… Riêng đối với việc làm nông nghiệp, là một trong số ít các ngành có khả năng phát triển trong dài hạn. Nhưng công việc này dường như không hấp dẫn đối với những người trẻ tuổi, điển hình là thế hệ thanh niên ở một số vùng nông thôn cho thấy tình trạng thiếu lao động nông nghiệp cùng tồn tại với tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên. Mặt khác, với tình hình nước ta hiện nay với số lượng dân ngày càng tăng, nhu cầu về lương thực, thực phẩm ngày càng cao nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp suy giảm, nguồn nhân lực tham gia vào sản xuất nông nghiệp ngày càng ít. Thanh niên là nhóm lao động chính, nhưng quan điểm và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, nhất là những kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp và những kinh nghiệm trong sản xuất. Bằng chứng chỉ ra từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam tồn tại thực tế rằng những người trẻ tuổi ngày càng không quan tâm đến tương lai nông nghiệp hoặc nông thôn (Ben White, 2011). Vậy thanh niên nông thôn họ là ai? Những rào cản nào đang tồn tại khiến thanh niên nông thôn trong sản xuất nông nghiệp là gì? Điều gì khiến nông nghiệp trở nên hấp dẫn hơn với thanh niên?

leftcenterrightdel
 

Đề tài tập trung phân tích những rào cản chính đối với thanh niên nông thôn trong sản xuất nông nghiệp. Đề tài sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu thu thập thông tin sơ cấp phân tích tài liệu sách báo khoa học và thu thập thông tin thứ cấp với 180 mẫu điều tra thanh niên trong hai nhóm làm nông nghiệp và phi nông nghiệp; cùng với 2 thảo luận nhóm, 16 phỏng vấn sâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Thứ nhất, đa số thanh niên tại xã Bình Hòa không tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương và nếu có tham gia họ chỉ tham gia phụ giúp cho gia đình vào các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Đồng nghĩa với việc tiếng nói hay quyền quyết định của thanh niên trong lĩnh vực này gần như không có. Thứ hai, thanh niên trong địa bàn xã đều không có hứng thú tới việc làm nông nghiệp. Mặc dù, họ đều cho rằng nông nghiệp là một nghề được xã hội coi trọng vì đó là một nghề chân chính, cung cấp lương thực, thực phẩm và đảm bảo an ninh lương thực cho xã hội. Nghiên cứu cũng chỉ ra được những yếu tố chính trở thành rào cản với thanh niên như: thu nhập thấp, thiếu thông tin – kiến thức – kỹ thuật, thiếu vốn. Hơn nữa, các chính sách về cơ hội việc làm còn hạn chế, chưa có sự ưu tiên và tạo điều kiện khuyến khích thanh niên nông thôn làm nông nghiệp. Chính vì vậy, họ chỉ sẵn sàng làm nông nghiệp khi được tạo điều kiện về cả thông tin, kiến thức – kỹ thuật, vốn tài chính, đất đai. Thứ ba, thanh niên có cơ hội vượt qua rào cản khi được tạo điều kiện và đáp ứng những mong muốn hiện tại liên quan đến việc làm nông nghiệp. Xuất hiện xu hướng thanh niên ở nhóm tuổi trưởng thành sau khi đã kết hôn có ý định quay trở về quê hương lập nghiệp sau một thời gian di cư đi làm ăn xa.

leftcenterrightdel
 

Sản phẩm của đề tài:

 -  01 báo cáo khoa học: Rào cản đối với thanh niên nông thôn trong sản xuất nông nghiệp (nghiên cứu trường hợp tại xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

 - 01 bài báo khoa học: Tổng quan về thanh niên và rào cản đối với thanh niên nông thôn trong sản xuất nông nghiệp.

-   Phục vụ cho giảng dạy và học tập môn xã hội học Đại cương 1, 2; Xã hội học thanh niên, xã hội học gia đình ngành Xã hội học, Khoa Khoa học xã hội.

-  Đào tạo: 03 sinh viên tham gia nghiên cứu thực địa thực hành phương pháp nghiên cứu xã hội học.

Khoa Khoa học xã hội