Thực hiện chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV, ngày 6 tháng 08 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn, chiều ngày 15 tháng 08 năm 2018, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ban Khoa học và Công nghệ phối hợp với Khoa Nông học, các nhóm nghiên cứu mạnh về Bệnh cây, Côn trùng, Cây lương thực, Cây công nghiệp và Trung tâm Chuyên gia, tổ chức seminar với nội dung “Bàn về các giải pháp phòng chống bệnh virus khảm lá sắn”. Đến dự buổi semiar có GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện, GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện, GS.TS. Trần Đức Viên – Chủ tịch hội đồng Học viện, GS.TS. Vũ Văn Liết – Thư ký hội đồng Học viện, PGS.TS. Trần Văn Quang – Trưởng Khoa Nông học, TS. Lê Huỳnh Thanh Phương – Trưởng Ban Khoa học và  Công nghệ, GS.TS. Trần Duy Quý, GS.TS. Ngô Vĩnh Viễn, GS.TS. Trần Khắc Thi – Trung tâm Chuyên gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hai chủ đề chính của buổi seminar là: 1) Bệnh khảm lá virus hại sắn; 2) Bọ phấn trắng vector truyền bệnh gây giải pháp quản lý.

Tham luận về “Begomo Virus và Bệnh khảm lá virus hại sắn”, PGS.TS. Hà Viết Cường trình bày tóm tắt những vấn đề như: 1) Bản chất của virus gây bệnh, sự đa dạng của nhóm Begomo virus; 2) Sự phân bổ của các nhóm này trên các vùng trồng sắn; 3) Cơ chế lan truyền của Begomo virus; 4) Sự xâm nhập của virus này vào Việt Nam; 4) Một số vấn đề trong phòng chống: vệ sinh đồng ruộng; sử dụng hom giống sạch bệnh; sử dụng giống kháng… Cũng trong bài trình bày này, PGS.TS. Hà Viết Cường khuyến cáo một số nhiệm vụ cần triển khai để giám sát, phòng chống bệnh virus khảm lá sắn ở Việt Nam: 1) Sử dụng giống kháng tự nhiên; 2) Xác định phổ ký chủ của virus: Gồm cà độc dược (Datura stramonium); Nicotiana spp (39 loài) và Hoa Ngũ sắc (Ageratum); 3) Phát triển kỹ thuật chẩn đoán nhằm hỗ trợ tạo giống sạch bệnh; 4) Đảm bảo ngăn chặn không để virus khảm lá sắn khác đặc biệt từ châu Phi, xâm nhập vào Việt Nam.

Tham luận “Bọ Phấn trắng Bemissia tabaci (Gennadius) và một số giải pháp quản lý”, PGS.TS. Lê Ngọc Anh – Nhóm nghiên cứu mạnh về Côn trùng trình bày những vấn đề liên quan đến bọ phấn trắng: Đặc điểm trích hút, Phạm vi ký của của loài bọ phấn trắng; Đa dạng loài và sự phân bố; Thành phần loài bọ phấn gây hại trên cây sắn ở Châu Á; Đặc điểm phát dục của bọ phấn trắng Bemissia tabaci…. và vấn đề kháng thuốc hóa học trong phòng trừ bọ phấn trắng Bemissia tabaci; sử dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ bọ phấn Bemissia tabaci (ong ký sinh, nhện bắt mồi).

 

Tiếp theo 2 bài trình bày, các nhà khoa học tham gia hội thảo đánh giá cao ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của những kết quả nghiên cứu do Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Các nhà khoa học cũng nhất trí đánh giá rằng bệnh khảm lá virus hại sắn đang thực sự đe dọa đến sự phát triển bền vững của cây sắn ở Việt Nam và để kiểm soát tốt bệnh này trong thời gian tới cần triển khai các nhiệm vụ như: Đẩy mạnh việc chọn tạo giống kháng, đây có thể là giải pháp tiên quyết để phát triển cây sắn trong bối cảnh áp lực bệnh ngày càng gia tăng; Kiểm soát việc xâm nhập và lây lan bệnh qua hom giống, xử lý hom giống để giảm áp lực bệnh…

Kết thúc buổi seminar, GS.TS. Nguyễn Thị Lan ghi nhận những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua của các nhà khoa học thuộc các nhóm nghiên cứu mạnh về Bệnh cây và Côn trùng. Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Thị Lan cũng yêu cầu các nhóm tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để có thể đóng góp thiết thực hơn cho công tác phòng chống bệnh này, đặc biệt là các vấn đề như chọn giống kháng, năng suất cao, xác định nguyên nhân gây bệnh, phổ ký chủ, nghiên cứu kỹ hơn về vector truyền bệnh và các giải pháp khống chế sự phát triển của vector truyền bệnh và kiểm soát sự lan truyền của bệnh qua các vùng, lãnh thổ.