Từ thực tế diễn biến giá lúa ở ĐBSCL vụ đông xuân năm nay giảm sâu, cần tính đến một số giải pháp dài hạn cho bài toán lúa gạo Việt Nam.

Đầu 2019 xuất khẩu gạo giảm mạnh

Nhìn chung năm 2018 là năm thành công với xuất khẩu gạo của Việt Nam khi được cả mùa và được cả giá. Trong năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,11 triệu tấn gạo, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,1% về khối lượng và 16,3% về giá trị so với năm 2017. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam năm 2018 là Trung Quốc (đạt 1,33 triệu tấn và 683,36 triệu USD, chiếm 21,8% về khối lượng và 22,3% về giá trị), Philippines (đạt 1,02 triệu tấn, trị giá 459,52 triệu USD, chiếm 16,6% về khối lượng và 15% về giá trị) và Indonesia (đạt 772,58 nghìn tấn, trị giá 362,66 triệu USD, chiếm 12,6% về khối lượng và 11,8% về giá trị).

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2018 và đặc biệt là đầu năm 2019, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm rõ rệt so với gạo của Thái Lan và Ấn Độ do hai lý do chính:

Cung tiếp tục tăng. Vụ đông xuân 2018/2019 các tỉnh ĐBSCL được mùa. Mặc dù nhiều địa phương đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, giảm đất lúa, vụ đông xuân 2018 - 2019 cả Đồng bằng gieo cấy khoảng 1509,400 nghìn ha lúa, giảm 6000 ha nhưng năng suất vẫn tăng, ước 69,27 tạ/ha nên sản lượng đạt gần 10,9 triệu tấn lúa, tăng 60.000 tấn so với vụ đông xuân 2018.

Cầu giảm. Các giao dịch xuất khẩu cũng ít hơn trong thời gian gần Tết. Sang tháng 1/2019, thị trường xuất khẩu gạo giảm sút so với cùng kỳ năm 2018 ở hầu hết các thị trường.

Tháng 1/2019, Việt Nam chỉ xuất được 334 ngàn tấn, tương đương với 142 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 239 triệu USD trong tháng 1 năm 2018, và 195 triệu USD năm 2017. Đặc biệt tháng 1/2019, Trung Quốc chỉ nhập 3,8 triệu USD gạo từ Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với 57 triệu USD trong tháng 1/2018 và 42 triệu USD trong tháng 1/2017. Trong tháng 1/2019, Việt Nam cũng chỉ xuất được sang Indonesia 659 ngàn USD so với 27 triệu USD trong tháng 1/2018.

Thị trường xuất khẩu giảm, nhất là phía Trung Quốc làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám đặt hàng thu mua lúa của nông dân là lý do chính làm giá lúa giảm khi ĐBSCL vào mùa thu hoạch rộ vụ đông xuân. Từ những tháng cuối năm 2018, thị trường gạo đã có dấu hiệu chững lại, nhất là khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu một số loại gạo lên 40% (trong đó có cả gạo nếp là loại nhập từ Việt Nam). Thay vào đó, Trung Quốc chủ trương chuyển sang nhập khẩu nhiều gạo của Thái Lan, Campuchia và Pakistan. Từ năm 2017, Trung Quốc đã kiểm soát doanh nghiệp nhập khẩu gạo chặt chẽ hơn. Hiện nay chỉ còn 19 doanh nghiệp trong tổng số khoảng trên 150 doanh nghiệp trước đây được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp khác bị rút giấy phép do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật..

Nhìn chung toàn cảnh thị trường lúa gạo quốc tế cho thấy trong những năm gần đây sản xuất lúa gạo quốc tế tăng trưởng đều đặn, đáp ứng thuận lợi so với nhu cầu. Vì thế, mặc dù lượng gạo thương mại vẫn tiếp tục tăng lên, thị trường tiếp tục mở rộng nhưng giá gạo thế giới khó có thể được cải thiện đáng kể. Đối với ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam thì Trung Quốc - thị trường gạo quan trọng đang chuyển từ buôn bán tiểu ngạch sang kinh doanh chính ngạch. Các đòi hỏi về bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, kiểm tra chất lượng,… ngày càng chặt chẽ hơn và thuế cũng có thể sẽ được áp cho những lượng hàng trước đây chưa bị áp dụng. Đây là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn quen buôn bán dễ dàng qua đường tiểu ngạch.

Những thế khó khi xử lý tình hình trong ngắn hạn

Với ngân sách hạn hẹp và thời gian gấp gáp để kịp tác động đến giá lúa vụ đông xuân vào lúc thu hoạch rộ hiện nay, Chính phủ khó có giải pháp nào giải quyết tương đối căn cơ được tình hình ngoài giải pháp vẫn áp dụng nhiều năm là:

Tạm ứng tiền hỗ trợ lãi suất tiết kiệm cho một số doanh nghiệp xuất khẩu để họ có thể tiến hành mua tạm trữ lúa gạo nhằm tạm thời tăng cầu trên thị trường, để tạo ra nhu cầu mua lúa của nông dân, nới bớt sức ép giảm giá lúa.
Cụ thể, vừa qua, để góp phần tăng giá lúa gạo, Chính phủ đã ra quyết định cho các doanh nghiệp vay thu mua tạm trữ với lãi suất ưu đãi 6,5%/năm để mua vào 200 ngàn tấn gạo, đồng thời Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính mua sớm 200 ngàn tấn gạo dự trữ (trong tổng số 200 ngàn tấn gạo và 80 ngàn tấn lúa năm 2019), chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay tiền mua lúa. Song song với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng họp với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước bàn kế hoạch tăng xuất khẩu.

Tuy nhiên, giải pháp này chủ yếu là tác động tâm lý nhiều hơn là gây ảnh hưởng cung cầu và rất khó kiểm soát về thực chất các doanh nghiệp mua nhiều hay ít. Bản thân các doanh nghiệp không muốn tạm trữ do không nắm chắc được giá khi chưa ký được hợp đồng xuất khẩu.

Mặt khác, tổ chức thương thảo với các công ty khách hàng bên ngoài để tăng cơ hội xuất khẩu rất khó thực hiện, bởi vì lúa gạo là mặt hàng thường do các chính phủ đứng ra mua và chịu tác động rất nhiều của chính sách bảo đảm an ninh lương thực của từng nước.

Một số đề xuất giải pháp trong dài hạn

Do vậy, về dài hạn, theo chúng tôi, cần cân nhắc các giải pháp:

Một là, giải quyết dứt điểm việc xây dựng một hệ thống dự báo, phân tích thị trường một cách bài bản để đưa ra các thông tin đáng tin cậy cho phép cảnh báo kịp thời trước khi xảy ra mất cân bằng cung cầu, cung cấp căn cứ tin cậy cho công tác lập kế hoạch sản xuất cho từng vụ, từng năm và cho cả quy hoạch thu hút đầu tư dài hạn. Trước hết là với các mặt hàng nông sản chiến lược như lúa gạo.

Hai là, phải có kế hoạch đầu tư hệ thống kho tàng có khả năng bảo quản lưu trữ nông sản trong thời gian vài tháng mà vẫn đảm bảo chất lượng tại các vùng chuyên canh chính ở đồng bằng sông Cửu Long. Đối với lúa gạo, phải xây dựng một hệ thống kho silo tương đối hoàn chỉnh với sự tham gia liên kết công tư của các doanh nghiệp lớn. Việc này cần được làm kèm theo kế hoạch đầu tư cải thiện dịch vụ hậu cần gồm cả bến bãi, cầu cảng và hình thành cảng biển container để có thể xuất khẩu trực tiếp từ đồng bằng sông Cửu Long không phải đưa qua thành phố Hồ Chí Minh.

Ba là, xây dựng một hệ thống biện pháp căn cơ hơn - xây dựng chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng chiến lược trong đó có mặt hàng gạo nhằm liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thường xuyên là khách hàng hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Philippines và các doanh nghiệp xuyên quốc gia có ý định đầu tư vào mặt hàng lúa gạo ở Việt Nam. Kêu gọi các khách hàng này đầu tư vào để xây dựng các vùng chuyên canh hoàn chỉnh, gắn với từng thị trường. Tại đó, sử dụng hệ thống giống và các tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng thị hiếu của từng thị trường và có thể xây dựng kho ngoại quan tại chỗ để họ làm chủ được nguồn cung cho nước mình ngay tại các vùng chuyên canh ở đồng bằng sông Cửu Long. Chuyển quan hệ mua bán ngắn hạn thành quan hệ đầu tư dài hạn.

Thứ tư, ngoài các vùng chuyên canh chính để phục vụ xuất khẩu tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng chuyên canh để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, cần có kế hoạch chuyển đất lúa sang các mục đích sử dụng nông nghiệp khác để tăng giá trị và tăng hiệu quả chứ không thể tiếp tục “phấn đấu” tăng diện tích và sản lượng.

Tóm lại, đã đến lúc chúng ta phải áp dụng những giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược về sản xuất lúa gạo. Và đây cũng là yêu cầu cấp bách của các nông sản khác.


*GS.TS, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
**TS Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.