Cây đơn thuộc họ Cà phê, chi Ixora, giống phổ biến có dạng thân bụi, màu sắc hoa đa dạng như đỏ tươi, đỏ cam, trắng, vàng và hồng, nở rộ từ tháng 4 đến tháng 10. Đơn đỏ có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka, ngày nay được phân bố rộng ở vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới. Cây đơn đỏ có giá trị về văn hóa, thực phẩm, dược liệu và cảnh quan.

Trong trang trí cảnh quan, cây đơn có thể được sử dụng trồng chậu, trồng thảm, bụi khóm và cắt cành. Trong đó, cây chậu cảnh và bon sai có giá trị kinh tế cao. Cây yêu cầu giá thể giữ ẩm tốt, thoáng khí, có pH và độ dẫn điện phù hợp khi trồng chậu. Mụn xơ dừa và trấu hun là vật liệu phổ biến dùng để phối trộn giá thể trồng chậu ở vùng khí hậu nhiệt đới do sẵn có, nhẹ và giá thành hợp lý.

Tại nhiều cơ sở sản xuất và cung cấp hoa, cây cảnh trên địa bàn Hà Nội và Hưng Yên, đất, trấu hun và mụn xơ dừa thường được sử dụng để phối trộn giá thể trồng cây đơn, trong đó đất là thành phần chính với tỷ lệ trên 50%. Đất có giá thành rẻ nhưng để lâu thường chặt, nặng, gây bí khí làm cây sinh trưởng kém. Hơn nữa, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay cần hạn chế khai thác đất trồng trọt, giảm tác động tới môi trường. Tại khu vực Hà Nội và vùng phụ cận, nguồn vật liệu hữu cơ như vỏ trấu và xơ dừa sẵn có, giá thành rẻ, có thể tận dụng làm nguồn vật liệu phối trộn giá thể trồng, giảm áp lực lên việc khai thác đất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả thuộc khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiến hành nghiên cứu nhằm mục đích tìm ra loại giá thể và chế độ tưới nước phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây đơn trồng chậu.

leftcenterrightdel
 Hình 1. Cây đơn đỏ (nguồn sưu tầm)

Qua nghiên cứu cho thấy, có hai yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây đơn đỏ chính là: ảnh hưởng của giá thể và chế độ tưới nước. Giá thể có vai trò quan trọng đối với sinh trưởng và phát triển của cây trồng chậu, đặc biệt là cây lâu năm do không gian quanh bộ rễ hạn chế, là môi trường cung cấp nước, dinh dưỡng và oxy cho rễ. Tính chất vật lý của giá thể như độ xốp, độ ẩm phản ánh khả năng thoát và giữ nước, độ thoáng khí, tạo môi trường cho bộ rễ phát triển. Mùn giúp tăng độ xốp, hoạt động của vi sinh vật và hiệu quả phân giải chất hữu cơ. Hàm lượng dinh dưỡng đạm (N), lân (P2O5), kali (K2O) tổng số, pH và độ dẫn điện (EC) phản ánh dinh dưỡng có trong giá thể mà cây có thể sử dụng được.

leftcenterrightdel
 Hình 2. Bộ rễ của cây đơn đỏ trồng chậu ở các công thức giá thể sau trồng 230 ngày

Bên cạnh đó, điều chỉnh chế độ tưới phù hợp rất quan trọng với cây trồng chậu bởi không gian xung quanh bộ rễ hạn chế. Tưới nhiều dẫn đến thừa nước, rễ thiếu oxy và giảm hô hấp. Ngược lại, nếu thiếu nước, dinh dưỡng hòa tan kém, cây không sử dụng được, đồng thời hạn chế hoạt động của hệ vi sinh vật, giá thể khô làm cây thiếu nước và vàng lá, quang hợp kém dẫn tới cây chậm lớn và còi cọc.

leftcenterrightdel
 Hình 3. Cây đơn đỏ trong các công thức tưới nước sau trồng 130 ngày, từ trái sang phải:
CT1 (ĐC, tưới 3 ngày/lần), CT3 (tưới 1 ngày/lần), CT2 (tưới điều chỉnh theo mùa), CT4 (tưới 2 ngày/lần)

Chế độ tưới khác nhau có ảnh hưởng đáng kể tới sinh trưởng của thân, cành và bộ tán cây đơn đỏ trồng chậu. Kết quả nghiên cứu bảng 8 chỉ ra, sau trồng 230 ngày, công thức CT4 (tưới 2 ngày/lần) có đường kính thân (3,07cm), chiều cao cây (49,7cm) và đường kính tán (27,2cm) cao hơn đáng kể so với ba giá thể còn lại và các chỉ tiêu trên thấp nhất ở công thức đối chứng, với đường kính thân 2,19cm, chiều cao cây 30,6cm và đường kính tán chỉ đạt 18,6cm. Điều chỉnh tưới ở công thức CT2 cũng cho chỉ tiêu chiều cao cây (33,5cm) và đường kính tán (23,5cm) cao hơn so với duy trì tưới hàng ngày ở CT3 và đối chứng. Cây đơn đỏ chịu úng kém, do đó tưới 1 ngày/lần (CT3) dẫn tới thừa nước, cụ thể độ ẩm giá thể khá cao (> 70%), tưới 3 ngày/lần có độ ẩm rất thấp (45,2%), gây ra thiếu nước, cả hai đều làm giảm sinh trưởng của cây.

Xem thông tin bài viết tại: https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2022/12/tap-chi-so-11.2.pdf

Đào Hương - NXB Học viện