Cá nâu hay còn gọi là cá dĩa thái, cá hói (danh pháp khoa học: Scatophagus argus) là một loài cá trong họ Scatophagidae, được phân bố ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam. Trên cơ thể của chúng có những nét hoa văn da beo nên còn gọi là dĩa beo. Cá nâu là loài cá có giá trị kinh tế và phân bố ở nhiều vùng đầm phá, vụng vịnh ven biển trên cả nước. Đây là loài cá bản địa được đánh giá có triển vọng phát triển nuôi ở Thừa Thiên Huế. Với tập tính ăn tạp nên chúng có thể sống trong cả môi trường nước ngọt, lợ và nước mặn, cá nâu đã trở thành một trong những đối tượng thích hợp cho mô hình nuôi xen ghép ở tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước.

leftcenterrightdel
Hình 1. Ảnh minh họa cá nâu
 Hình 1. Ảnh minh họa cá nâu
 

Tuy là loài có giá trị cao và có triển vọng nuôi nhưng đến nay nguồn giống cá nâu ở Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu được khai thác từ tự nhiên, không đáp ứng được nhu cầu cho người nuôi. Ngoài số lượng con giống khai thác từ tự nhiên ngày càng hạn chế, giống không chủ động, chất lượng con giống cá nâu chưa đảm bảo cũng là vấn đề khó khăn cho người nuôi đối tượng này. Do vậy, để phát triển nuôi cá nâu bền vững, cần nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo, hướng đến cung cấp con giống cá nâu chủ động, đảm bảo chất lượng và số lượng cho người nuôi. Nhằm góp phần tạo cơ sở dữ liệu xây dựng quy trình sản xuất giống cá nâu tại tỉnh Thừa Thiên Huế, việc nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường nuôi vỗ đến thành thục sinh dục của cá nâu là cấp thiết để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

leftcenterrightdel
Hình 2. Các thí nghiệm thức nuôi vỗ cá nâu thành thục sinh dục
 Hình 2. Các thí nghiệm thức nuôi vỗ cá nâu thành thục sinh dục

 

Nghiên cứu được thực hiện từ 20/4 đến 20/7/2020 tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Qua nghiên cứu cho thấy, cá nâu bố mẹ có khả năng thành thục trong cả 3 điều kiện môi trường nuôi vỗ. Tuy nhiên, nuôi vỗ cá trong lồng trên đầm phá cho kết quả về tỷ lệ thành thục, hệ số thành thục của cá cái và đường kính trứng cao hơn so với nuôi trong lồng đặt trong ao và bể composite (P ˂ 0.05). Cá đực khi nuôi trong cả 3 điều kiện môi trường đều cho tỷ lệ thành thục tương đối cao và thời gian thành thục sớm hơn cá cái. Hệ số thành thục và chất lượng thành thục của cá đực không có sự sai khác lớn giữa các nghiệm thức trong thời gian thí nghiệm. 

Thông tin chi tiết truy cập tại đây.

 

Đào Hương - NXB Học viện