Trong khuôn khổ Chương trình “Diễn đàn khởi nghiệp Nông nghiệp” năm 2016 do Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, các bạn trẻ, thanh niên, sinh viên Thủ đô đã lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức khởi nghiệp từ các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp và doanh nhân thành đạt. Đó là những bài học vô cùng quý giá.

Trăn trở

Bạn Lê Thị Dung là thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp chuyên ngành Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2016 ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp theo mô hình trang trại VAC, cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường với nguồn nhân lực chính là sinh viên.

Ý tưởng của Dung xuất phát từ việc trông thấy nhiều bạn sinh viên bán sức lao động với giá rất rẻ; Khi ra trường, điều kiện để kiếm được công việc theo chuyên ngành rất hạn chế. Thực tế hiện nay, thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường. Chính vì vậy, nữ thủ khoa muốn mở trang trại để các bạn sinh viên được áp dụng kiến thức đã học trong nhà trường, được trả đồng lương xứng đáng và tạo ra sản phẩm chất lượng.

Với những trăn trở đó, cô gái đặt câu hỏi cho GS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thạch - Nguyên Phó giám đốc Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), một trong những chuyên gia đầu ngành cả nước về chế phẩm sinh học áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, cô cần phải chuẩn bị những hành trang gì trước khi khởi nghiệp; Những khó khăn gì có thể gặp phải khi thực hiện?

Nguyễn Thị Hương, sinh viên năm thứ 3, Học viện Nông nghiệp Việt Nam dành câu hỏi cho PGS.TS Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thầy là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và đặc biệt dành nhiều sự quan tâm cho thanh niên, sinh viên trong khởi nghiệp. Hương bày tỏ: Học viện Nông nghiệp Việt Nam là cơ sở hàng đầu trong đào tạo về nông nghiệp, tuy nhiên, sinh viên hiện nay ra trường chưa có nhiều cơ hội tìm được việc làm, cô gái muốn thầy Cường chia sẻ rõ hơn về những mối liên kết để tạo cơ hội cho sinh viên có việc làm.

Một nam sinh viên đặt câu hỏi cho anh Nguyễn Quảng Nam - Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Rau Việt, nguyên là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giải Ba cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp. Bạn sinh viên này dự định ra trường sẽ khởi nghiệp. “Được biết anh Nam là một trong những sinh viên của trường khởi nghiệp thành công nên em muốn anh chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của anh và công ty trong quá trình khởi nghiệp cũng như là thành lập doanh nghiệp từ trước đến nay?”, nam sinh hỏi. Cũng đặt câu hỏi cho anh Nguyễn Quảng Nam, Đỗ Đức Toàn, sinh viên năm thứ 4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỏi: “Điều gì khiến anh quyết định khởi nghiệp theo lĩnh vực nông nghiệp?”.

Bạn Nguyễn Thị Hiên, thành viên của nhóm Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu chè hỏi anh Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái rằng: “Anh có thể chia sẻ cho những người đang, mới bắt đầu khởi nghiệp những bài học kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình khởi nghiệp?”.

Nguyễn Thúy Thuần, sinh viên năm thứ 3, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỏi TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện Trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam: “Ở nước ta đã có những định hướng, chủ trương ưu đãi như thế nào đối với những doanh nghiệp nông nghiệp có áp dụng công nghệ cao sản xuất thực phẩm sạch đưa ra thị trường?”.

Bài học từ “tiền nhân”

GS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thạch - Nguyên Phó giám đốc trường Đại học Nông nghiệp I đã gắn bó với ngành nông nghiệp từ rất lâu. Nhà giáo chia sẻ: “Chúng tôi ngày xưa khi bước vào trường đại học nghĩa là đã yên tâm khi ra trường có Nhà nước phân công về trang trại, nông trường, hợp tác xã hay các viện, vụ, trường… làm việc.

Còn bây giờ trong bước phát triển mới, các bạn sinh viên ra trường, nhiều người không có công ăn việc làm. Khái niệm khởi nghiệp ngày nay khác xưa, chính các bạn phải tìm ra công việc cho bản thân. Điều đó đã được thể hiện ở xu hướng chung của thế giới. Vì vậy, sinh viên cần có những ý tưởng khởi nghiệp”.

 

Các chuyên gia chia sẻ với người trẻ về khởi nghiệp 

Còn hành trang gì để thực hiện ý tưởng đó là gì? Thầy Thạch kể, cách đây hơn 10 năm, thầy có gặp một người được đào tạo không phải ngành nông nghiệp mà là kĩ sư tin học. Anh ấy đã khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và hiện nay trở thành Giám đốc một doanh nghiệp về hoa trên Mộc Châu (Sơn La).

Quyết tâm khởi nghiệp của anh ấy bắt đầu sau một lần gặp gỡ với chuyên gia nông nghiệp. Sau khi nghe giới thiệu về hoa, ngay lập tức anh chuyển hướng kinh doanh và sang Trung Quốc học về sản xuất hoa. Hay có người có người sẵn sàng bỏ công ty mà lương mỗi tháng gần 40 triệu đồng để thành lập công ty về nông nghiệp.

“Qua những tấm gương đó cho thấy muốn thành lập doanh nghiệp, trang trại, đầu tiên phải có ý chí và mục tiêu rất rõ ràng. Từ đó để có thể chọn lựa đúng đối tượng, sản phẩm mà thị trường cần. Bên cạnh đó, chúng ta cần có tay nghề nhưng không phải sẽ có tay nghề ngay lập tức mà phải đi học, nắm vững công nghệ, khoa học quản lí, hiểu biết thị trường”, Nhà giáo nói.

Nguyễn Quảng Nam cho rằng, bản thân anh may mắn được học tập tại mái trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nam kể, trước đây, anh thi vào Học viện Quân y nhưng không đỗ. Trượt nguyện vọng 1 đại học khiến anh cảm thấy chán nản cuộc sống và nộp hồ sơ vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam với mục đích học tạm một kì để thi lại. Tuy nhiên, khi vào trường, Nam thấy yêu thích môi trường này và quyết tâm ở đây phấn đấu học tập.

Một lần đi dạo quanh học viện, thấy nhiều gian hàng hoa bày bán sôi nổi, anh nghĩ: “Tại sao mình không mang hoa về quê kinh doanh?”. Thế là, sau một thương vụ dù không có lãi, anh phát hiện ra đam mê kinh doanh. Năm qua, anh tham gia vào cuộc thi khởi nghiệp và đoạt giải, từ đó anh Nam càng có ý định thành lập công ty và bắt đầu trải nghiệm những khó khăn.

Khó khăn đầu tiên mà anh gặp phải đó là kinh nghiệm, khởi nghiệp đòi hỏi các chuyên môn rất khác nhau, từ Luật doanh nghiệp, khâu tổ chức quản lí, nhân sự, nguồn vốn, đầu ra… Anh Nam chia sẻ: “Phải cần có ý chí quyết tâm, nhiệt huyết vì mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nhưng chúng ta có ý chí, tuổi trẻ và quyết tâm thì có thể làm được mọi điều. Nếu không có kiến thức chuyên môn, quản lí thì cần tìm được một nhóm tư vấn, hỗ trợ nhau. Chúng ta cần có kế hoạch cụ thể rõ ràng; tham gia các cuộc thi khởi nghiệp sẽ trang bị kiến thức trước để khi thực tế khởi nghiệp đỡ vấp ngã”.

Anh Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái trước đây học ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, sau đó ra trường làm việc ở viện nghiên cứu và anh đã mở doanh nghiệp thành công. Anh trở thành một doanh nhân thành đạt với doanh nghiệp hàng nghìn cán bộ công nhân viên. Anh Đoàn chia sẻ, suốt 22 năm nay anh chưa bao giờ xem phim vì tập trung cho công việc.

Theo anh, bí quyết cho sự thành công là chăm chỉ, đạo đức, học và làm việc hết mình. Bất kì ai cũng phải trải nghiệm, làm thợ trước khi làm thầy. Nếu nôn nóng khởi nghiệp ngay gặp thất bại sẽ khiến chúng ta nhụt ý chí. Vậy nên, càng tích lũy nhiều kiến thức thì càng thành công. Anh toàn bật mí 5 “bí kíp” thành công trong sự nghiệp: “Học là quan trọng nhất; Trước khi làm thầy phải làm thợ; Tập trung vào làm một việc; Tìm được người đỡ đầu; Đừng bao giờ đánh mất những gì mình đang có, đặc biệt là uy tín”.