|
Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu về khởi nghiệp tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV |
Khởi nghiệp không phải phong trào, mà phải có chiều sâu
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, nên trong trào lưu khởi nghiệp quốc gia, phải lấy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm làm nền tảng. Theo bà Lan, khởi nghiệp không phải là thiếu nguồn vốn tài chính mà là thiếu kiến thức và năng lực, đây là nền móng giúp nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về khởi nghiệp, từ đó đảm bảo khởi nghiệp đi vào chiều sâu lâu dài và liên tục. Trong đó, khó khăn lớn nhất của khởi nghiệp nông nghiệp là thiếu nguồn nhân lực trẻ có trình độ, thiếu môi trường và các nguồn lực cho khởi nghiệp, rủi ro lớn cả về tự nhiên và thị trường.
|
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trường ĐH có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao. (Trong ảnh: ngày hội việc làm được tổ chức thường niên tại Học viện) |
Bà Lan nhấn mạnh, thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp; tạo dựng môi trường khởi nghiệp tại nông thôn; hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên nông thôn và những người muốn khởi nghiệp nông nghiệp. ĐB Nguyễn Thị Lan khẳng định đây là khâu đột phá cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với chủ trương mỗi xã một sản phẩm trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
"Lực lượng trước mắt để đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo là hàng chục ngàn sinh viên trong khối các trường nông, lâm, ngư nghiệp trên cả nước tốt nghiệp hàng năm. Các trường này cần xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp bài bản, hệ thống nhằm từng bước đưa tư tưởng khởi nghiệp thấm vào suy nghĩ, đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho sinh viên khi ra trường" - bà Lan nói.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần xác định khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào, mà Nhà nước cần có chiến lược và chính sách đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững. Đồng thời, cần xây dựng chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã là một sản phẩm. Nhờ thế, các trường đại học có thể trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường và các nguồn lực tại các vùng nông thôn, miền núi, phục vụ khởi nghiệp nhằm đưa hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia phát triển toàn diện và bền vững.
Gắn tự chủ với hỗ trợ khởi nghiệp
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng với thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo Đề án thí điểm cơ chế hoạt động theo quyết định của Chính phủ, việc được Bộ NN-PTNT giao tài sản, đất đai theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam tăng cường các hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục, khởi nghiệp cho sinh viên.
|
Khu Dịch vụ khởi nghiệp sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam |
Năm 2015, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong số những trường ĐH đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 873/QĐ-TTg (ngày 17/6/2015) về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện giai đoạn 2015-2017. Theo Quyết định này, cho phép Học viện Nông nghiệp Việt Nam được quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động đào tạo, KH-CN, tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp. Học viện cũng được phép quyết định việc cho thuê tài sản Nhà nước để sử dụng cho các hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và hỗ trợ sinh viên trong các trường hợp như: Tài sản chưa được sử dụng hết công suất, liên kết theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, mua sắm tài sản từ nguồn vốn tích lũy hợp pháp của Học viện theo quy định...
Mới đây nhất, vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định số 1255/QĐ-BNN về việc giao tài sản, đất đai cho Học viện theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp. Theo đó, quy định cho phép Học viện được thực hiện các hoạt động liên doanh, liên kết, huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất bằng hình thức xã hội hóa... Ngày 28/8/2018, Bộ NN-PTNT tiếp tục có Quyết định số 3425/QĐ-BNN-TC phê duyệt Danh mục tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo Danh mục này, đã có 24 tài sản công được Bộ NN-PTNT cho phép Học viện sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê...
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản hiện có, qua đó hỗ trợ cơ sở vật chất cho công tác dạy và học, đặc biệt là hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo của sinh viên.
Cụ thể thời gian qua, Học viện đã tiến hành xây dựng một số công trình phục vụ tiện ích, đời sống cho cán bộ viên chức, đặc biệt là cho đời sống sinh viên như: Khu thể thao, nhà thi đấu, khu Ký túc xá sinh viên, khu khởi nghiệp sinh viên... Các công trình này đã phát huy hiệu quả, chất lượng dạy và học lẫn lẫn đời sống cho sinh viên. Đặc biệt mới đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khánh thành và đưa vào vận hành Khu dịch vụ sinh viên và Khu khởi nghiệp sinh viên... với nhiều gian hàng kinh doanh dịch vụ cho nhu cầu các mặt hàng phục vụ sinh hoạt, vui chơi giải trí thiết yếu cho sinh viên.
Đặc biệt, Khu khởi nghiệp sinh viên của Học viện được xây dựng trên diện tích vốn trước đây là đất chưa được sử dụng, bị các hộ dân cư bên ngoài biến thành “bãi rác” bất đắc dĩ, nay đã trở thành các gian hàng dịch vụ rất khang trang, tiện lợi cho sinh viên mua sắm. Để hỗ trợ các ý tưởng Khởi nghiệp cho sinh viên, Học viện đã tổ chức các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, qua đó, các hồ sơ của thí sinh có ý tưởng tốt sẽ được Học viện lựa chọn, ưu tiên tạo điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất tại Khu khởi nghiệp để sinh viên trực tiếp tổ chức kinh doanh các mặt hàng – dịch vụ phục vụ cho chính sinh viên trong Học viện.
Được biết, cùng với các công trình phục vụ giảng dạy, Khu khởi nghiệp sinh viên, Khu dịch vụ sinh viên cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá trong quá trình cấp chứng nhận Kiểm định chất lượng Cơ sở giáo dục Đại học theo quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT.