“Khởi nghiệp cần bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp của mình?” - là thắc mắc của nhiều học sinh tham dự Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”, tổ chức ngày 4.5 tại Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội). Hội thảo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với sở GDĐT Hà Nội tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
|
|
Học sinh trường THPT Đan Phượng, Hà Nội hứng thú với câu chuyện khởi nghiệp. Ảnh: Hoàng Lộc |
Bắt đầu khởi nghiệp từ đâu?
TS. Nguyễn Xuân Cường - cố vấn cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng - cần thúc đẩy thế hệ trẻ khởi nghiệp, nhất là các bạn học sinh, sinh viên.
|
|
TS. Nguyễn Xuân Cường - cố vấn cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Lộc |
“Đất nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức: biến đổi khí hậu, già hóa dân số, hội nhập quốc tế. Do vậy, bản thân các bạn học sinh cần có tư duy đổi mới để biến kiến thức thành ý tưởng, thành doanh nghiệp, thành cơ sở sản xuất, từ đó tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội. Khởi nghiệp phải trở thành khát vọng thường trực của học sinh” - TS. Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh những kỹ năng khởi nghiệp, PGS.TS Bùi Thị Nga - Giảng viên cao cấp, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng đưa ra lời khuyên cho các sĩ tử sắp bước vào ngưỡng cửa đại học:
“Để sẵn sàng khởi nghiệp trong thời đại 4.0, mỗi người cần phải đáp ứng được yếu tố về tri thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức và thái độ. Để tích lũy được những tố chất này, trước hết các bạn học sinh cần đưa ra lựa chọn đúng đắn về ngành nghề mình sẽ theo học, cơ sở đào tạo đại học chất lượng cũng như ý chí tự lực tự cường”.
Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp ĐMST cho biết - nông nghiệp kết hợp với công nghệ có thể trở thành “vùng đất vàng” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Việt Nam vốn là đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam lại thiếu sức cạnh tranh dù ở thị trường trong nước hay quốc tế. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ sẽ vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh, tăng được giá trị sản phẩm vừa giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu thất thoát, trong quá trình sản xuất và thu hoạch.
“Nông nghiệp thông minh sẽ trở thành một xu hướng đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp” - ông Thắng chia sẻ.
|
|
TS. Dương Văn Nhiệm - giảng viên khoa Thú y, (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Lộc |
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Dương Văn Nhiệm - giảng viên khoa Thú y, (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đánh giá - khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp không bao giờ là cũ. Điều quan trọng là phải nắm bắt và giải quyết được nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, và chuyển giao tri thức mới về nông nghiệp và phát triển nông thôn, và các lĩnh vực khác có liên quan; đóng góp đắc lực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế của đất nước.
Từ năm 2014 đến nay, Học viện tổ chức 9 cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp với 1.400 dự án tham gia. Trong đó có 5 dự án đạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia.
Theo https://laodong.vn/