Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của đoàn công tác Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, chiều ngày 23/3/2018, GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện cùng các thành viên trong đoàn công tác đã tham gia tọa đàm hợp tác song phương cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Vương quốc Bỉ - Ngài Denis Ducarme nhằm thúc đẩy hợp tác đào tạo và nghiên cứu phục vụ phát triển nền nông nghiệp hiện đại, giá trị cao, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Tọa đàm hợp tác Nông nghiệp Việt Nam- Bỉ tại Gembloux Agro Bioech

Tại hội nghị, Bộ trưởng hai nước đã đánh giá cao kết quả hợp tác trong hơn 20 năm qua giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với Cộng đồng các trường Ðại học nói tiếng Pháp và các đối tác khác của Bỉ. Thông qua các hợp tác này, phía Bỉ đã đào tạo cho Học viện và Việt Nam hơn 20 Tiến sỹ và trên 100 thạc sỹ. Từ nguồn tài trợ của Bỉ, Học viện và các trường đối tác đã phối hợp thực hiện thành công hàng trăm đề tài nghiên cứu trong các lĩnh vực như công nghệ thực phẩm, khoa học cây trồng, công nghệ sinh học, chăn nuôi, môi trường và ươm tạo công nghệ… Đặc biệt, các nhà khoa học của Học viện và Bỉ đã nhân giống thành công đàn lợn hạt nhân Pietrain kháng stress và giống bò 3B, chuyển giao phục vụ sản xuất tại Việt Nam.

Giám đốc Nguyễn Thị Lan thảo luận với Ngài Denis Ducarme,

Bộ trưởng Nông nghiệp VQ Bỉ 

Cũng trong hội nghị, thay mặt cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Giám đốc Nguyễn Thị Lan đã cùng với các đối tác Bỉ đề xuất Chính phủ hai nước và các tổ chức quốc tế đầu tư các dự án nhằm phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu cho Việt Nam. Các đề xuất này đã được lãnh đạo hai Bộ đánh giá cao và đề nghị Học viện và các đối tác Bỉ sớm nghiên cứu và cụ thể hóa các nội dung. Chương trình  hợp tác gồm: 

(1) Chương trình đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng lực giám sát, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cho Việt Nam theo mô hình của Trung tâm CART (Center for Analytical Research and Technology) tại đại học Liege.

(2) Xây dựng mô hình hoàn chỉnh để nghiên cứu ứng dụng chuyển giao các công nghệ về bảo quản và chế biến các sản phẩm động vật và thực phẩm (rau, củ, quả…) của Việt Nam. Mô hình này gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp chế biến của Việt Nam nhằm giúp cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam thuận lợi hơn.

(3) Xây dựng dự án hợp tác nghiên cứu về bệnh thuỷ sản và vaccine thuỷ sản do giáo sư hàng đầu của Bỉ và thế giới, với nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này trợ giúp cho Khoa thuỷ sản của Học viện.

(4) Hợp tác xây dựng mô hình nghiên cứu về dinh dưỡng cho vật nuôi. Với hệ thống nghiên cứu này sẽ giúp cho các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tìm ra các công thức thức ăn hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng vật nuôi trong thời gian ngắn, hiệu quả về chi phí nghiên cứu - sản xuất cho doanh nghiệp và người chăn nuôi. Đây là những công nghệ mới nhất, ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu về dinh dưỡng mà ĐH Liège có thế mạnh.

(5) Hợp tác chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý vận hành và đào tạo nguồn nhân lực cho Bệnh viện Thú y của Học viện.

Kết thúc phiên thảo luận, Đoàn đã đi thăm quan một số mô hình và phòng thí nghiệm công nghệ cao tại Gembloux Agro Bioech


Phòng thí nghiệm công nghệ thực phẩm Smart Gastronomy tại Gembloux Agro Bioech sử dụng máy in 3D phục vụ đổi mới sáng tạo trong thiết kế mẫu mã và chế biến thực phẩm. Nhóm nghiên cứu in socola Bỉ hình hoa sen và chuỗi ADN để tặng đoàn Việt Nam

  

Các đại biểu thăm quan và thảo luận tại cơ sở nghiên cứu hệ thống cây trồng ng phó với biến đổi khí hậu và sản xuất thuốc trừ sâu sinh học tại Trung tâm nghiên cứu Terra tại Gembloux Agro Bioech.