Dự án “Hiểu biết về sử dụng hóa chất trong nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á” là một dự án nghiên cứu hợp tác giữa Tổ chức nghiên cứu khoa học & công nghiệp của Khối thịnh vượng chung (gọi tắt là CSIRO – cơ quan nghiên cứu khoa học lớn nhất của Úc) với các tổ chức cơ quan nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu của hai quốc gia là Việt Nam và Lào. Các đơn vị từ Việt Nam bao gồm Học viện Nông nghiệp Việt Nam, và Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Dược liệu (Bộ Y tế). Các đơn vụ của Lào tham gia dự án bao gồm Viện nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Quốc gia Lào và Đại học Quốc gia Lào. Dự án được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và dự kiến kết thúc trong năm 2022. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao hiểu biết về sử dụng hóa chất trong nông nghiệp ở Việt Nam và Lào, cung cấp thông tin cho các nghiên cứu trong tương lai của ACIAR về việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp một cách an toàn và hiệu quả hơn trong tương lai.

Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 10/2020 với nhiều hoạt động đa dạng ở cả hai quốc gia dưới sự điều phối CSIRO và sự tham gia của tất cả các đối tác nghiên cứu. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các thành viên tham gia đề tài đến từ nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn) do PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga là trưởng nhóm nghiên cứu. Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, để hoàn thành mục tiêu của dự án, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu từ xa và họp trực tuyến với các đối tác nghiên cứu ở Úc, Việt Nam, và Lào trên tinh thần thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh về chủ đề sử dụng hóa chất trong nông nghiệp – trích Báo cáo Hội thảo khởi động của dự án
 

Trong hai ngày 17-18 tháng 12/2020, Hội thảo khởi động dự án “Hiểu biết về sử dụng hóa chất trong nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á” được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các bên đối tác nghiên cứu trong dự án. Ngày đầu tiên của hội thảo tập trung vào việc tạo cơ hội cho các đối tác nghiên cứu trong dự án trao đổi và thảo luận về các mục tiêu của dự án và các khái niệm chính. Ngày thứ hai của hội thảo tập trung vào thảo luận và lập kế hoạch cho các hoạt động trong Giai đoạn 1 của dự án: các nhóm chuyên gia (reference groups), tổng quan tài liệu nghiên cứu và phạm vi phỏng vấn.

leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh thảo luận – trích Báo cáo Hội thảo khởi động của dự án

 

Trong giai đoạn 6 tháng tiếp theo (từ tháng 1 đến 6/2021), các đối tác nghiên cứu trong dự án đã triển khai song song nhiều hoạt động nghiên cứu khác nhau từ thu thập dữ liệu thứ cấp, viết báo cáo tổng quan nghiên cứu, liên hệ với nhóm chuyên gia (gồm các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học có uy tín, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước) và tổ chức hội thảo lấy ý kiến của nhóm chuyên gia nhằm hoàn thiện báo cáo tổng quan. Hội thảo lấy ý kiến của nhóm chuyên gia đã được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp tại Viện Bảo vệ thực vật với nhóm nghiên cứu ở Việt Nam và trực tuyến với các chuyên gia Úc (CISRO).

leftcenterrightdel
 Hội thảo tham vấn ý kiến của nhóm chuyên gia tổ chức tại Viện Bảo vệ thực vật vào tháng 3 năm 2021
 

Theo kế hoạch, các nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua phương pháp điều tra phỏng vấn tại hai quốc gia Việt Nam và Lào, viết báo cáo tổng kết và so sánh kết quả nghiên cứu giữa hai quốc gia Việt Nam và Lào. Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã chọn và tiến hành khảo sát tại các huyện Đông Anh (Hà Nội) và huyện Mộc Châu (Sơn La) lần lượt đại diện cho các vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng của khu vực đồng bằng và miền núi phía Bắc. Các đối tượng tham gia khảo sát bao gồm các nông dân, các đại lý thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, các cán bộ địa phương, và đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu nông sản. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và được sự khuyến khích và hướng dẫn của các chuyên gia đến từ CSIRO, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu sơ cấp bằng phỏng vấn qua điện thoại (với tất cả nhóm đối tượng khảo sát) kết hợp với phương pháp phỏng vấn qua ảnh “photovoice” dành riêng cho nhóm đối tượng nông dân.

leftcenterrightdel
Hình ảnh họp trực tuyến giữa  TS. Lucy Carter (CSIRO), giám đốc dự án, với các nhóm nghiên cứu của Việt Nam và Lào. 
 

Hiện nay các nhóm nghiên cứu đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo tổng hợp kết quả điều tra và sẽ tham vấn ý kiến của nhóm chuyên gia trong cuối tháng 3/2022 và tập trung hoàn thiện các báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu của dự án và các đề xuất để gửi cho ACIAR và các bên liên quan của Việt Nam và Lào. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy hầu hết nông dân đều có kiến thức về sử dụng hóa chất, họ biết về lợi ích, rủi ro liên quan đến sử dụng hoá chất và thực hành để bảo vệ bản thân và tài nguyên sản xuất (đất). Mặc dù vậy, mức độ hiểu biết về việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp là khác nhau giữa các nông dân và các địa điểm, sự chênh lệch này được thấy giữa đồng bằng và miền núi, và giữa các nông dân ở các kênh thị trường khác nhau. Nghiên cứu cũng đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm sử dụng hoá chất nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai.

Dự án là kết quả hợp tác mở rộng và bền vững giữa Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn với các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước, đặc biệt là với các tổ chức nghiên cứu của Úc. Thông qua các hoạt động trao đổi nghiên cứu khoa học, các giảng viên và nghiên cứu viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn cũng sẽ có cơ hội được trau dồi chuyên môn và kỹ năng nghiên cứu, góp phần phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Nguyễn Anh Đức, Nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường