Sáng ngày 13/9/2018, đoàn công tác của Ban Quản lý Dự án “Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và Công nghệ” (gọi tắt là Dự án FIRST) thuộc Bộ Khoa học Công nghệ do Ông Tạ Bá Hưng làm trưởng đoàn đã đến làm việc và nghe báo cáo tiến độ của các tiểu dự án thuộc hợp phần 1A do Học viện Nông nghiệp Việt Nam (gọi tắt là Học viện) chủ trì thực hiện. Tham dự buổi làm việc có đại diện Ban Hợp tác quốc tế, Ban Tài chính - Kế toán, Chủ nhiệm và thư ký của 07 tiểu dự án thuộc hợp phần FIRST 1A đã và đang thực hiện từ năm 2016, 2017 và ký kết mới năm 2018 thuộc các khoa Công nghệ sinh học, Thú y, Môi trường, Chăn nuôi, Nông học.

 


Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Hợp tác quốc tế đã trình bày Báo cáo về kết quả, tiến độ và tình hình thực hiện, tiến độ giải ngân, một số khó khăn và các đề xuất của Học viện đối với thủ tục tài chính và nghiệm thu kết thúc dự án. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2017, Học viện có 4 tiểu dự án FIRST hợp phần 1A đang thực hiện với tổng kinh phí được nhận tài trợ là 467.697,91 đô la Mỹ. Các tiểu dự án đó là: (1) “Phát triển công nghệ thu nhận astaxanthin từ mô hình nuôi tảo Haematococcus pluvialis trong hệ thống photobioreactor” của khoa Công nghệ sinh học - hợp tác với chuyên gia Israel; (2) “Ứng dụng công nghệ sản xuất protein của Nhật Bản trong phòng chống bệnh ký sinh trùng trên gà tại Việt Nam” của khoa Thú y - hợp tác với chuyên gia Nhật Bản; (3) “Nghiên cứu chọn tạo dòng lợn nái landrace và Yorkshire kháng vi khuẩn gây tiêu chảy bằng chỉ thị phân tử” của khoa Chăn nuôi - hợp tác với chuyên gia Vương quốc Bỉ và (4) “Phát triển công nghệ sản xuất vật liệu sinh học của Nhật Bản để tái tạo thảm thực vật che phủ tạo cảnh quan và bảo vệ đất dốc ở Việt Nam” của khoa Môi trường - hợp tác với chuyên gia Nhật Bản.  Sau hai năm thực hiện, một số kết quả nổi bật của các dự án đã đem lại là xây dựng được 01 hệ thống photobioreactor nhân sinh khối tảo lục; Lần đầu tiên một hội thảo quy tụ các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ sinh học vi tảo và tiềm năng ứng dụng của các sản phẩm có nguồn gốc từ vi tảo được tổ chức thành công tại Học viện; Phối hợp với các chuyên gia của Nhật Bản xác định được nồng độ protein tái tổ hợp và sản xuất thử nghiệm protein tái tổ hợp có khả năng đáp ứng miễn dịch bệnh cầu trùng trên gà, góp phần nâng cao năng lực về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thú y cho các giảng viên và sinh viên bậc đại học sang Nhật Bản tập huấn và học hỏi về kỹ thuật miễn dịch học và protein tái tổ hợp; Phối hợp với chuyên gia Nhật bản để phân lập được 2 chủng nấm rễ AM có hoạt tính sinh học cao dùng trong sản xuất vật liệu sinh học và quy trình sản xuất vật liệu sinh học dùng cho tái tạo thảm thực vật; Phối hợp với chuyên gia Bỉ trong chọn thế hệ xuất phát từ đàn lợn khảo sát và ghép đôi giao phối thuần chủng giữa các cá thể của đàn lợn xuất phát để tạo ra đàn lợn con (thế hệ 1), góp phần tạo ra dòng lợn kháng tiêu chảy bằng chỉ thị phân tử.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Ban Quản lý dự án FIRST, Ông Tạ Bá Hưng đánh giá rất cao về những kết quả bước đầu của các tiểu dự án FIRST 1A mang lại cho Học viện nói riêng và đóng góp cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung. Học viện là một đơn vị được nhận nhiều tài trợ nhất cho hợp phần 1A của Dự án FIRST và tất cả các dự án của Học viện đều có tính sáng tạo, tính đổi mới rất cao. Vì thế, Ông Hưng mong muốn Học viện và BQL dự án FIRST sẽ tiếp tục phối hợp để quảng bá các kết quả của dự án ra cộng đồng, từ đó nhân rộng và cung cấp các dịch vụ khoa học có chất lượng từ dự án cho xã hội. BQL dự án FIRST ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị của Học viện và sẽ hoàn thiện quy trình về nghiệm thu kết thúc dự án để Học viện góp ý thực hiện. 

Kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác đã đi thăm mô hình hệ thống photobioreactor nhân sinh khối tảo lục và gian hàng trưng bày sản phẩm vi tảo của khoa Công nghệ sinh học.