Chiều ngày 14/02/2020, GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì tiếp đón đoàn cán bộ Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) do ông WATANABE Yasuo - Phó trưởng phòng Hợp tác và Đầu tư hải ngoại, Vụ Quan hệ quốc tế dẫn đầu cùng một số đại diện cán bộ đến từ Cục Nông nghiệp, Cục Công nghệ thực phẩm, Quỹ quản lý JAS Nhật Bản và Trung tâm khu vực Fukuoka. Cùng đón tiếp MAFF có đại diện lãnh đạo và cán bộ các khoa Nông học, Thú y, Thủy sản, Chăn nuôi, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ và Ban Hợp tác quốc tế (HTQT).
Tại buổi làm việc, PGĐ Phạm Văn Cường đã giới thiệu khái quát về Học viện và kết quả thực hiện các dự án nhận nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản (JICA, JSPS, SATREPS) từ năm 1998 đến nay. PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng ban HTQT, chuyên gia trong lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) - thông qua hợp tác với MAFF - đã giao Học viện thực hiện dự án Phát triển nguồn lực cho các lĩnh vực liên quan tới thực phẩm thông qua các trường đại học đối tác ASEAN (dự án HRD) do MAFF điều phối với sự phối hợp thực hiện của Ban Thư ký ASEAN. Dự án được triển khai qua hai giai đoạn 2015-2017; 2018-2020 với hàng loạt hoạt động tập huấn trong nước và tham quan học tập tại Nhật Bản. Từ năm 2016 đến nay, hàng năm Học viện tổ chức khóa tập huấn về Chuỗi giá trị thực phẩm, thu hút bình quân 150-200 cán bộ, sinh viên và cán bộ hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm tham gia. Cuối năm 2019, trong khuôn khổ dự án này, song song với khóa tập huấn về chuỗi giá trị thực phẩm, Học viện tiếp nhận triển khai khóa tập huấn về Phân tích thực phẩm với sự tham gia của gần 90 đại biểu, chủ yếu là chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm. Trong tháng 2-3/2020, Học viện tiếp tục được MAFF và MARD tín nhiệm giao tổ chức khóa tập huấn về Quản lý an toàn thực phẩm gồm 02 nội dung về HACCP và đánh giá hệ thống thực phẩm. Khóa tập huấn dự kiến dành cho 40 học viên đến từ Học viện và khu vực công, tư Việt Nam. Điều đặc biệt, học viên sau khi hoàn thành khóa học và vượt qua bài kiểm tra sẽ được Hiệp hội quản lý chất lượng Nhật Bản cấp chứng nhận có giá trị công nhận quốc tế - một trong những điều kiện bắt buộc để trở thành thanh tra JFS. Đây là cơ hội quý báu cho người sở hữu chứng nhận này ký hợp đồng làm việc cho tổ chức chứng nhận JFS Nhật Bản tại Nhật Bản hoặc Việt Nam.
Nhân dịp này, hai bên cũng trao đổi chi tiết hơn về tình hình phát triển hệ thống các cơ quan chứng nhận cấp quốc gia, quốc tế về quản lý an toàn thực phẩm như JAS, HACCP, JSF, GAP,... ở Nhật Bản và Việt Nam. Trước cuộc làm việc này, MAFF và MARD đã trao đổi về việc Nhật Bản sẽ giúp đỡ Việt Nam phát triển, hoàn thiện hệ thống chứng nhận JFS trong 1-2 năm tới sau quá trình khảo sát ý kiến từ các bộ, ngành liên quan. Với năng lực và kinh nghiệm sẵn có, Học viện mong muốn được Bộ Nông nghiệp của hai bên tiếp tục tín nhiệm Học viện là nơi trang bị các kiến thức về JAS, HACCP, JSF, GAP,... cho cán bộ, sinh viên và doanh nghiệp có nhu cầu. Nhờ đó, việc thiết lập các cơ quan độc lập ở khu vực doanh nghiệp tư, doanh nghiệp liên kết nước ngoài thực hiện chức năng cấp chứng nhận quốc tế về an toàn sản xuất nông nghiệp và an toàn nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.
Học viện nhất trí là đầu mối tổ chức các đợt tham quan, khảo sát thực tế cho đoàn MAFF và hỗ trợ cho tiến trình này. Hy vọng với sự giúp đỡ của phía Nhật Bản, Việt Nam sẽ dần hoàn thiện các hệ thống cấp chứng nhận quốc tế nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm soát an toàn chất lượng nông sản, thực phẩm trên cả nước.
Ban HTQT