Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, công tác hợp tác quốc tế có vai trò rất lớn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế (HTQT) được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của Học viện. Tính đến nay, Học viện đã ký kết biên bản ghi nhớ với 114 trường đại học, viện nghiên cứu của 25 quốc gia trên thế giới; đã tham gia tích cực và thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác, chương trình đào tạo liên kết quốc tế, chương trình trao đổi sinh viên và cán bộ, tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế...

Với quan điểm lấy ‘mở cửa’ với bên ngoài để thúc đẩy ‘đổi mới’ bên trong, biến ‘ngoại lực’ thành ‘nội lực’, kéo bạn bè quốc tế về với Học viện, đồng thời cũng chủ động và tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các bạn bè, đối tác nước ngoài. Vì, chúng ta sẽ không thể nào ‘lớn’ nổi nếu cứ bơi trong ao nhà, tự chơi trên sân nhà, nếu cứ tự viết luật chơi cho riêng mình... Lợi ích khi có nhóm nghiên cứu quốc tế không chỉ là tiền bạc, mà quan trọng hơn là cách nhìn, phương thức tổ chức và điều hành, lề thói quản lý và quản trị, cung cách viết một dự án quốc tế, cách thức viết một bài báo quốc tế, v.v... Quan hệ quốc tế được tăng cường, nhất là với Nhật bản, Bỉ, Hà lan, Hoa kỳ, Thái lan...; vì vậy Học viện nhận được nhiều nguồn tài trợ, thiết bị và học bổng từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ bạn bè và đối tác nước ngoài, những quốc gia đã đi trước chúng ta nhiều năm về KHCN và đào tạo đại học.

Trong thời kỳ 2007-2015, Học viện đón tiếp gần 600 đoàn khách của nhiều quốc gia trên thế giới với tổng số gần 2.700 khách đến thăm, tìm hiểu và thiết lập quan hệ hợp tác với Học viện. Trong giai đoạn này, Học viện đã xây dựng và quản lý 82 chương trình/dự án với các quy mô khác nhau, với tổng kinh phí hàng chục triệu đô la Mỹ. Đặc biệt, từ năm 2014, Học viện đã chủ trương đẩy mạnh tìm kiếm, đấu thầu các dự án quốc tế mới với quy mô lớn. Chỉ trong 2 năm qua, Học viện đã hoàn thiện, đăng ký 42 đề xuất và đã đấu thầu thành công 11 đề xuất với tổng kinh phí lên đến hơn 10 triệu đô la Mỹ (04 dự án FIRST, 02 dự án VIIP, trở thành thành viên của 04 dự án hợp tác đào tạo được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu...). Đồng thời, Học viện cũng đệ trình 01 dự án ODA xin vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới với kinh phí hàng chục triệu đô la Mỹ, 01 dự án sử dụng vốn ODA tài trợ không hoàn lại của KOICA, 01 dự án SATREP xin tài trợ của JICA, và đẩy mạnh hợp tác nghị định thư với một số quốc gia.  

Học viện đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức thành công 196 hội nghị, hội thảo khoa học. Những hội thảo này đã thu hút gần 14,5 ngàn lượt giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, sinh viên trong và ngoài nước tham dự.

Các chương trình trao đổi sinh viên cũng ngày càng phát triển. Nếu như trước giai đoạn 2010 trao đổi sinh viên chỉ dừng lại ở một số chương trình nhỏ thì từ sau 2011, các chương trình ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2015 đã có 45 chương trình được triên khai, tạo cơ hội cho gần 500 sinh viên, học viên tham gia. Học viện cũng đang tích cực xúc tiến việc cử sinh viên đi học tập, thực tập ngắn hạn (thời gian dưới 1 năm) ở nước ngoài.

Mỗi năm, Học viện đã cử hàng trăm sinh viên tham gia các chương trình trao đổi, học tập, nghiên cứu, tu nghiệp sinh… tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Israel, Đức. Điều đáng lưu ý là, việc trao đổi này không chỉ dừng lại một chiều – từ phía đối tác tới Học viện – mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng tiếp nhận hàng trăm sinh viên, thực tập sinh đến từ Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, Cộng hòa Séc… Thông qua các chương trình trao đổi và thực tập tại nước ngoài, sinh viên hai bên đã có nhiều cơ hội trao đổi, chia sẻ, giao lưu văn hóa, kiến thúc chuyên môn, kỹ năng cũng như những trải nghiệm, cảm nhận nét đẹp về đất nước, con người, phát triển cơ sở vật chất, phát triển giáo dục, khoa học kỹ thuật của các nước trên thế giới.

 

Đồng thời, Học viện cũng rất quan tâm tìm kiếm các nguồn học bổng hỗ trợ học tập cho sinh viên, nhất là sinh viên con nông dân nghèo, sinh viên miền núi, các đối tượng chính sách. Cùng với 24 chương trình học bổng quốc tế, trong 3 năm gần đây (2013, 2014, 2015), hàng ngàn sinh viên Học viện đã được nhận trên 50,2 tỷ đồng tiền học bổng và trợ cấp xã hội; trong đó từ nguồn thu của Học viện là gần 49 tỷ đồng.

Công tác đào tạo sinh viên quốc tế được Học viện thực hiện liên tục trong giai đoạn vừa qua trong giai đoạn này, Học viện đã và đang đào tạo hơn 600 sinh viên hệ chính quy, hiện đang quản lý trên 130 lưu học sinh thuộc 03 quốc gia CHDCND Lào; Vương Quốc Cămpuchia và Cộng hòa Mozambique. Những năm gần đây, Học viện đã xây dựng và tổ chức tốt các chương trình trao đổi sinh viên với Trường Đại học Quốc gia (KNU) – Hàn Quốc, trường Yamagata - Nhật Bản, tổ chức thực hiện chương trình Summer School với Trường Đại học Nông nghiệp Prague - Cộng hòa Séc…

HTQT trong giai đoạn hội nhập mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đòi hỏi Học viện phải tích cực, chủ động hơn nữa để nắm bắt cơ hội hợp tác và phát triển. Rất khó để có thể thống kê được tất cả các kết quả và thành tựu Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được trong 60 năm qua một cách chi tiết và cụ thể nhất trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước đã giao cho. Nhưng với sự chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo Học viện và sự đồng tâm của cán bộ, giảng viên Học viện, minh chứng rõ nhất cho những thành tựu mà Học viện đã đạt được đó chính là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, của bạn bè, đồng nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế.