Trong chuỗi sự kiện chào mừng 60 năm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong 02 ngày 05-06/11/2016 vừa qua, Chi hội ISSAAS Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng với Hiệp hội khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Đông Nam Á (ISSAAS), Hiệp hội Phát triển Đào tạo, Nghiên cứu của Nhật bản (SEADA), Trường Đại học Nông nghiệp Tokyo (TUA) đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế ISSAAS 2016 với chủ đề “Thực hành nông nghiệp tốt tại khu vực Đông Nam Á” (National and Global Good Agricultural Practices – GAPs in Southeast Asia).

Tham gia Hội thảo có sự hiện diện của hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu viên, giảng viên, sinh viên trong lĩnh vực nông nghiệp đến từ các nước: Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam. Ngoài ra còn có một số nhà khoa học của Bỉ, Úc, Myanmar. Về phía Việt Nam, đại biểu tham gia hội thảo chủ yếu là giảng viên, nghiên cứu viên, học viên sau đại học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Huế, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội…

Tại lễ khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện đã phát biểu chào mừng và bày tỏ niềm vinh dự khi đây là lần thứ ba, kể từ năm 2004, hội thảo ISSAAS được tổ chức tại Học viện với sự tham dư của đông đảo các đại biểu đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời Giám đốc cũng nhấn mạnh Hội thảo là một trong những sự kiện quan trọng góp phần hướng tới chào mừng 60 năm thành lập Học viện và là cơ hội quý giá giúp nâng cao vị thế Học viện cũng như tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

PGS. TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện, phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Cũng tại buổi lễ, PGS. TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện, đại diện Chi hội ISSAAS Việt Nam, đã nhấn mạnh ý nghĩa cũng như mục tiêu của Hội thảo, đồng thời thể hiện niềm tin tưởng vào sự phát triển bền vững của mạng lưới kết nối các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu viên, giảng viên, sinh viên của các nước trong khu vực, đặc biệt khu vực Đông Nam Á để cùng nhau hợp tác, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về áp dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ sự phát triển nông nghiệp trong khu vực cũng như ở quy mô toàn cầu.

PGS. TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện, 

đại diện Chi hội ISSAAS Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện của 06 Chi hội ISSAAS các nước: Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam đã báo cáo những hoạt động của Chi hội mỗi nước trong năm 2016. Tiếp đó, 06 chuyên gia đã trình bày báo cáo tổng quan và nghiên cứu về việc thực hiện và ứng dụng GAP trong sản xuất nông nghiệp tại mỗi quốc gia.

Đại diện của 06 Chi hội ISSAAS các nước: Nhật Bản, Malaysia, Philippines, 

Indonesia, Thái Lan, Việt Nam tại phiên báo cáo tham luận toàn thể

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, có khoảng 350 công trình nghiên cứu khoa học được báo cáo và hơn 70 poster được giới thiệu. Các báo cáo chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu: (1) Khoa học cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu; (2) Quản lý dịch hại tổng hợp; (3) Quản lý tài nguyên, môi trường; (4) Chuỗi giá trị thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp; (5) Khoa học thủy sản; (6) Công nghệ thực phẩm; (7) Chăn nuôi – Thú y; (8) Kinh tế và xã hội trong nông nghiệp; (9) Những lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp. Tại 9 tiểu ban chuyên môn, các báo cáo viên đã có cơ hội chia sẻ kiến thức về những vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp đồng thời học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, những giải pháp hiệu quả giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững phù hợp tại mỗi quốc gia.

Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự Hội thảo

Hội thảo quốc tế ISSAAS 2016 đã thực sự là một diễn đàn khoa học, tạo cơ hội kết nối, phát triển mạng lưới nghiên cứu khoa học trong khu vực và trên thế giới. Việc tổ chức thành công Hội thảo góp phần giúp Học viện Nông nghiệp Việt Nam mở rộng và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế trong khu vực, đồng thời nâng cao kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lực trong nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong toàn Học viện. Từ đó giúp phát triển và ứng dụng những sản phẩm, thành tựu khoa học công nghệ phục vụ hiệu quả  cho sản xuất nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới.