Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVN) phối hợp với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) thực hiện dự án toàn cầu “Nâng cao năng lực để cải thiện dinh dưỡng cho hệ thống thực phẩm thông qua phương pháp tiếp cận các bên liên quan (bao gồm doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội và cơ sở đào tạo)” (GCP/GLO/712/JPN). Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường hoạt động đào tạo/tập huấn về các hệ thống thực phẩm chú trọng dinh dưỡng tại các trường đại học và cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan nhà nước thuộc ngành nông nghiệp ở Việt Nam trên cơ sở sử dụng tài liệu chuyên môn của Nhật Bản và các nguồn lực của FAO. Kỳ vọng của dự án là mọi người dân trên toàn thế giới đều nhận được chế độ dinh dưỡng lành mạnh do các hệ thống thực phẩm bền vững cung ứng.

Với mục tiêu trên, sau một số hoạt động khảo sát và hội thảo thu thập ý kiến các bên liên quan, HVN đã quyết định lựa chọn chương trình đào tạo ngành Khoa học cây trồng tiên tiến để thí điểm, cải tiến chương trình theo hướng chú trọng hơn đến phát triển hệ thống thực phẩm chú trọng dinh dưỡng. Sau một năm thí điểm giảng dạy theo định hướng trên,  HVN và FAO đồng tổ chức 02 hội thảo trong 02 ngày 27-28/4/2021: i) Hội thảo tổng kết và phản hồi ý kiến quốc gia về phát triển chương trình đào tạo ngành khoa học cây trồng theo định hướng chú trọng dinh dưỡng, ii) Hội thảo Cơ chế nhân rộng chương trình đào tạo ngành khoa học cây trồng theo định hướng chú trọng dinh dưỡng.

leftcenterrightdel
Phó Giám đốc HVN Phạm Văn Cường phát biểu chào mừng
Phó Giám đốc HVN Phạm Văn Cường phát biểu chào mừng 
leftcenterrightdel
Ông Hoàng Văn Tú – FAO VN phát biểu khai mạc
Ông Hoàng Văn Tú – FAO VN phát biểu khai mạc 
 

Mục tiêu của các hội thảo mà dự án mong muốn đạt được là người tham gia hội thảo: i) Nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng của cơ quan đào tạo trong việc thúc đẩy khung hệ thống thực phẩm chú trọng về dinh dưỡng; ii) Tìm hiểu các giải pháp hiệu quả trong việc lồng ghép các nội dung liên quan đến dinh dưỡng trong chương trình khoa học cây trồng và iii) Đề xuất các cơ chế để áp dụng chương trình giảng dạy tăng cường dinh dưỡng khối các cơ sở giáo dục đại học nông nghiệp.

Hội thảo đã thu hút gần 80 đại biểu là cán bộ và sinh viên trực tiếp giảng dạy và học tập trong lĩnh vực khoa học cây trồng, công nghệ thực phẩm đến từ 10 trường đại học (ĐH) trong cả nước như Trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang, Trường ĐH Tây Bắc, Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, Trường ĐH Hồng Đức, Đại học Vinh, Đại học Cần Thơ, Trường ĐH Nông Lâm Huế, Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH An Giang và Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có sự tham gia của đại diện của các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong và ngoài nước như Viện Dinh dưỡng quốc gia (NIN), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO Việt Nam tham gia hội thảo trực tiếp và FAO Trung tâm tham gia hội thảo qua ứng dụng trực tuyến tại Ý).

Tại các buổi hội thảo, giảng viên của HVN đã có dịp chia sẻ hành trình cải tiến chương trình đào tạo ngành khoa học cây trồng theo định hướng chú trọng dinh dưỡng và kết quả đạt được ban đầu với 05 môn học thử nghiệm (Plant breeding, Postharvest handling of horticultural crops, Farm management, Sustainable agriculture và Internship). Đại diện của NIN – Phó Viện trưởng Trương Tuyết Mai và đại diện CIAT – Bà Phạm Thị Mai Hương cũng chia sẻ thêm về hiện trạng của hệ thống thực phẩm chú trọng dinh dưỡng đang áp dụng tại Việt Nam. Các báo cáo tham luận mang lại 02 vấn đề thời sự đã tạo nên không khí thảo luận sôi nổi i) Cơ hội và thách thức khi áp dụng chương trình đào tạo chú trọng dinh dưỡng trong hệ thống thực phẩm và ii) Tính khả thi của việc áp dụng các bài học kinh nghiệm của VNUA cho các trường đại học đào tạo về nông nghiệp. Các hội thảo này thực sự trở thành diễn đàn cho cán bộ, sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục đại học nông nghiệp từ các vùng miền, các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp và liên quan trong, ngoài nước gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu và hợp tác để cùng phát triển. Đại diện các trường đại học đã chia sẻ thực trạng chương trình đào tạo ngành khoa học cây trồng, cùng chung mong muốn phát triển chương trình đào tạo ngành này lồng ghép nội dung dinh dưỡng (ĐH An Giang, ĐH Tây Nguyên, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên,…) hoặc mở ngành mới (ĐH Tây Bắc) theo những phương án khác nhau phù hợp với mỗi trường. Đại diện tổ chức FAO bày tỏ sự tin tưởng rằng tri thức tiếp nhận được qua chương trình đào tạo có tác động lớn đối với các bên liên quan, đóng góp cho việc chuyển hoá hệ thống thực phẩm và tiếp tục phát triển, lan tỏa chủ đề này trong tương lai. FAO cho rằng, sinh viên tốt nghiệp ngành nông nghiệp sẽ chung tay thúc đẩy để góp phần chuyển đổi cả hệ thống thực phẩm chú trọng dinh dưỡng, đảm bảo tất cả mọi người dân đều có khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm dinh dưỡng và đảm bảo an toàn. FAO ủng hộ hoài bão của các trường đại học khác trong việc áp dụng những bài học rút ra tại HVN để tự phát triển chương trình riêng với hướng tiếp cận về dinh dưỡng. Đối với chương trình thạc sỹ, quan điểm của đại diện NIN cho rằng cần phải đưa các vấn đề về dinh dưỡng như cân đối bữa ăn, thừa cân, béo phì, sử dụng thực phẩm để phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ. Sinh viên được học cấp thạc sỹ cần đi sâu hơn khi tiếp cận các kiến thức gồm 10 – 20% phục vụ cho sức khoẻ, vì thế cần đưa vấn đề dinh dưỡng nghiên cứu sâu vào chương trình thạc sỹ để nhìn với tầm vĩ mô cao hơn. Các sở y tế và nông nghiệp nên có sự gắn kết tốt để giúp cho dinh dưỡng cộng đồng đạt được mục tiêu đề ra.

leftcenterrightdel
Một số hình ảnh thảo luận tại hội thảo
 Một số hình ảnh thảo luận tại hội thảo

Hội thảo tổng kết và phản hồi ý kiến quốc gia về phát triển chương trình đào tạo ngành khoa học cây trồng khép lại với thông điệp: việc lồng ghép và tăng cường kiến thức về hệ thống thực phẩm chú trọng dinh dưỡng vào chương trình đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường đại học nông nghiệp khác trong cả nước là hết sức cần thiết (và cần được nhân rộng). Đó là một trong những hoạt động thiết thực để hướng đến mục tiêu loại bỏ suy dinh dưỡng và phát triển hệ thống thực phẩm bền vững ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp hình lưu niệm 

 Ban HTQT