Từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 07 năm 2018, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tham dự Hội thảo khởi động Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các trường đại học Tiểu vùng sông Mekong (GMS-UC) và “Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Tiểu vùng sông Mekong lần thứ nhất do SEAMEO RIHED phối hợp với Tổ chức Hợp tác Nhật Bản – ASEAN và Hiệp hội các nước ASEAN tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Hội thảo khởi động Dự án đã thu hút 63 đại biểu đến từ 07 nước, trong đó có sự hiện diện của các khách mời đến từ Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), Ban Thư ký ASEAN, Ban Thư ký SEAMEO, 03 trường đại học của Nhật Bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo của Thái Lan, Lào và 24 trường đại học thuộc các nước: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar.


Hội thảo được triển khai nhằm tiếp nối những kết quả bước đầu trong Pha 1 của Dự án. Cụ thể, các trường đại học Tiểu vùng sông Mekong đã cam kết cung cấp nhiều cơ hội học bổng trao đổi sinh viên giữa các trường trong Tiểu vùng sông Mekong. Theo đó, sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ nhận được các gói học bổng đi học tập ngắn hạn và trao đổi tín chỉ từ 3-6 tháng tại các trường Đại học của Thái Lan, Myanma, Lào và Campuchia như: ĐH Kasetsart, ĐH Công nghệ King Mongkut, ĐH Chiang Rai Rajabhat, ĐH Mae Fah Luang, Thammasat (Thái Lan), ĐH Quốc gia Lào, ĐH Savannakhet, ĐH Svay Rieng (Lào), ĐH Quốc gia Phnom Penh (Campuchia), ĐH East Yangon, ĐH Yadanabon (Myamar), v.v… Các chương trình học bổng này sẽ giúp sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có cơ hội học tập trong môi trường đa văn hóa, trao đổi và tiếp cận với nguồn kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng với sinh viên các trường đại học thuộc Tiểu vùng sông Mekong. Học bổng là một trong những ưu tiên của các trường đại học thành viên cho sinh viên của các trường đối tác chiến lược tham gia Dự án Tăng cường năng lực cho các trường đại học thuộc Tiểu vùng sông Mekong.


Bên cạnh đó, Hội thảo khởi động Dự án tập trung trao đổi, thảo luận và chia sẻ các vấn đề về quốc tế hóa của các trường đại học, những khó khăn, cơ hội và thách thức mà các trường đang gặp phải trong bối cảnh hội nhập quốc tế; vai trò của các nhà lãnh đạo, quản lý trong lập kế hoạch chiến lược và định hướng chiến lược cho kế hoạch quốc tế hóa trong tương lai để phù hợp với các tiêu chí, chuẩn mực quốc tế. Hội thảo đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nhà lãnh đạo, cán bộ và sinh viên của trường đại học trong việc chèo lái con thuyền quốc tế hóa đến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh của trường đại học thông qua các chỉ số quốc tế hóa như: Số lượng và sự đa dạng các chương trình trao đổi sinh viên có tính đa ngành, đa lựa chọn và đa quốc gia; Số lượng các môn học và các chương trình nghiên cứu có nội dung quốc tế rõ ràng, số lượng các đối tượng được hưởng lợi từ các chương trình này; Số lượng các dự án nghiên cứu trong hợp tác với các đối tác nước ngoài, tỷ lệ giảng viên tham gia các dự án; Nguồn ngân sách và nguồn nhân lực thiết yếu nhằm xác định các giải pháp cho các vấn đề quốc tế hóa; Hiểu biết của cộng đồng đại học, bao gồm các đối tượng từ lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên, người học về quốc tế hóa; Cơ hội để cán bộ, sinh viên của trường được trao đổi, chia sẻ, làm việc cùng nhau để phát triển các phương pháp giảng dạy; Quản lý và thực hiện các dự án nghiên cứu.


Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường đại học tiểu vùng sông Mekong đã ký cam kết với các trường đại học thuộc Tiểu vùng sông Mekong về việc cung cấp và tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi tập huấn ngắn hạn và trao đổi tín chỉ nhằm rút ngắn khoảng cách quốc tế hóa giữa các trường.