Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, cụ thể là Nhóm Nghiên cứu mạnh Quản lý Phát triển nông thôn do PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền phụ trách và Đại học Nông nghiệp và Thú y Obihiro (Nhật Bản), ngày 2/3/2018 vừa qua, GS. Yasushi Sembokuya và GS. Kanayama Toshihisa đã sang Việt Nam và tổ chức chương trình làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội. Mục đích của chuyến công tác nhằm tìm hiểu các vấn đề về chăn nuôi gia súc lớn, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa, từ đó hướng tới đến các chương trình hỗ trợ tham gia bảo hiểm bò sữa cho nông hộ và các trang trại.

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Phó Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT – 

trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Quản lý Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, theo ông Tạ Văn Tường - PGĐ Sở NN&PTNT cho biết: Hà Nội mặc dầu là một đơn vị hành chính đặc biệt – thủ đô của Tổ quốc nhưng lại là địa phương có hoạt động sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Đối với phát triển sản xuất bò sữa, số lượng đàn con (trong 15 xã trọng điểm) đứng thứ ba toàn quốc. Đặc thù chính của sản xuất bò sữa ở Hà Nội là mô hình nhỏ lẻ do vậy gây ô nhiễm môi trường, sản xuất không theo quy trình gây khó khăn trong quản lý, vì thế xu hướng phát triển chung sẽ là sản xuất theo mô hình lớn và tập trung. Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh lực sản xuất và tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn, nhằm phát triển ngành hàng này, thành phố đang thu hút thêm một số công ty lớn như: TH-TrueMilk , VinaMilk để đáp ứng nhu cầu của thị trường thành phố cũng như cung ứng ra các thị trường khác.

Ông Tạ Văn Tường- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội

TS. Sử Thanh Long – chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa gia súc lớn, cũng là giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết thêm: Trên thế giới, ngành hàng sữa chỉ phát triển khi số doanh nghiệp sản xuất giảm và kèm theo đó là số đầu con tăng lên. Bối cảnh hiện tại mà Hà Nội không triển khai bảo hiểm chăn nuôi bò sữa được là do người dân sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy trình, sản phẩm cung ứng ra thị trường đôi khi vì lợi nhuận trước mắt mà phá vỡ hợp đồng với các công ty thu mua vì thế khó có doanh nghiệp bảo hiểm nào dám tham gia cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Với vai trò là nhà kỹ thuật, chúng tôi đang tư vấn cho Hà Nội xây dựng quy trình đảm bảo kiểm soát từ bác sỹ thú y (đảm bảo phòng bệnh, chữa bệnh), và tiến tới sẽ giảm số hộ nuôi (tăng số lượng đầu con/hộ). Khi mọi hoạt động đi vào quy trình, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tham gia cung cấp dịch vụ cho thị trường này.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng chia sẻ cách thức vận hành nền nông nghiệp của Nhật Bản, cũng như việc giải quyết cân bằng giữa lượng cung và cầu hàng hóa nông sản trên thị trường. Kinh nghiệm bảo hiểm bò sữa ở Nhật Bản là mục tiêu mà đoàn công tác mong muốn triển khai áp dụng cho Hà Nội trong tương lai gần.