leftcenterrightdel
PGS TS Kim Văn Vạn – Trưởng Khoa Thủy sản (Học viện Nông Nghiệp Việt Nam) 

 

Đó là chia sẻ của PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với Tạp chí Người Nuôi Tôm. Đây là “nút thắt” lớn cần được tháo gỡ để đáp ứng với sự phát triển của ngành Thủy sản Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Thưa PGS.TS Kim Văn Vạn, nhân lực là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của ngành Thủy sản, ông có nhận định ra sao về thực trạng nhân lực của ngành Thủy sản hiện nay?

Nguồn nhân lực của ngành Thủy sản hiện nay vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Không chỉ riêng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các trường Đại học có khoa đào tạo về ngành Thủy sản như Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ,...đều đang có số lượng tuyển sinh đầu vào rất thấp, mà nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp hiện tại là rất lớn. Để tuyển dụng được nhân sự, các doanh nghiệp cũng đưa ra những mức lương rất hậu hĩnh, kể cả đối với những sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Nhưng đáng tiếc, thực trạng học sinh, sinh viên theo nghề ngày một ít. Có thể lý giải nguyên do một phần là vì mọi người vẫn có những định kiến nhất định và coi nó là một nghề vất vả “chân lấm tay bùn”. Thêm nữa, do đặc thù nghề nghiệp, ngành nghề thủy sản thường chỉ tập trung ở những vùng sông nước, ven biển; vậy nên, rất khó để học sinh những vùng miền khác có thể hình dung về nghề hay những định hướng nghề nghiệp cụ thể đối với nghề thủy sản. Bên cạnh đó, cũng có những thuận lợi nhất định. Sự khan hiếm nguồn nhân lực ngành Thủy sản, đã thúc đẩy một số bạn sinh viên khoa Chăn nuôi – Thú y khi ra trường nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp rộng mở có thể nắm bắt cơ hội. Hiện nay, khoa cũng đang có định hướng cho các bạn tốt nghiệp các khoa Chăn nuôi – Thú y được học chuyển đổi cấp cao lên thạc sỹ, tiến sỹ. Số lượng chuyển đổi học lên thạc sỹ của khoa Nuôi trồng Thủy sản đang có xu hướng tăng. Đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên có thể linh hoạt luân chuyển giữa các ngành học Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản, mở rộng, đa dạng cơ hội nghề nghiệp Hiện, một năm khoa Thủy sản đào tạo từ 2-3 lớp cao học, trong số đó chiếm 50% là các bạn chuyển dịch từ chăn nuôi, thú y sang theo học. Đây được cho là một tín hiệu tốt cho ngành Thủy sản. Thêm nữa, khoa Thủy sản cũng đang có những chương trình đào tạo ngắn hạn từ 7-10 buổi cho các bạn trái ngành.

Ngành thủy sản đang chuyển dịch theo hướng nuôi công nghệ cao, vậy chất lượng sinh viên và chương trình đào tạo tại trường có thay đổi như thế nào để có thể theo kịp và đáp ứng được xu thế mới này không, thưa ông?

Hiện tại, vấn đề chất lượng đầu vào cũng đang có những bất cập, hạn chế, đối tượng tuyển sinh có mặt bằng điểm đầu vào trung bình. Vậy nên, nếu chương trình giảng dạy đưa quá sâu về những ứng dụng công nghệ cao sẽ rất khó để các bạn sinh viên theo kịp. Nhưng trên tinh thần chuyển dịch, ứng dụng thực tiễn vào giảng dạy, ví dụ như cập nhật những ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý môi trường tự động, hoặc hệ thống cho ăn tự động... sẽ được khoa lồng ghép vào chương trình giảng dạy, tăng cường thực hành bám sát thực tiễn. Khoa cũng thường xuyên kết hợp với các công ty, trang trại tổ chức cho sinh viên những chuyến đi thực tế để các bạn có những cái nhìn chân thật nhất, đặc biệt là với những môn như Rèn nghề, Thực tập giáo trình, Thực tập tốt nghiệp. Khi được tiếp xúc với thực tế, trực tiếp cầm tay chỉ việc và bắt tay vào làm, các bạn sẽ nhanh chóng thích nghi hơn là tập trung đào tạo chuyên sâu về lý thuyết, rất dễ khiến sinh viên bị “choáng ngợp” khi ra thực tế.

Ông có thể đưa ra một số dự báo về nguồn nhân lực ngành Thủy sản trong tương lai?

Việt Nam là một nước xuất khẩu thủy sản đóng góp kim ngạch cao cho GDP cả nước, bởi vậy nhu cầu nuôi công nghiệp và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ thuật là rất lớn. Trong tương lai, những nhân lực không qua đào tạo sẽ rất khó để đáp ứng được xu thế và cường độ chăn nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao, bởi rủi ro là rất lớn. Chính vì thế, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai là không thể tránh khỏi.Tính trung bình hiện tại, các trường đào tạo khu vực phía Bắc, mỗi năm có chưa đến 100 sinh viên tốt nghiệp ra trường, con số này không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp thức ăn thủy sản, thuốc thủy sản và các trang trại nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng được nâng lên, không chỉ đơn thuần là một nhân viên kinh doanh thông thường; mà còn phải am hiểu kỹ thuật, để có thể tư vấn cho người nuôi, hỗ trợ kỹ thuật cho các trang trại, có như vậy mới giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Do vậy, trong tương lai, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn rất lớn, đặc biệt là những nhân lực đã qua đào tạo.

Dưới góc nhìn của một nhà giáo dục, theo ông, giải pháp nào có thể giúp giải quyết các vấn đề nhân lực ngành Thủy sản?

Hiện tại, khoa Thủy sản đang tiến hành triển khai Đề án đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí cho ngành thủy sản, hướng tới thu hút những đối tượng là con em vùng sâu, vùng xa, các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng chi trả học phí. Những đối tượng này được đánh giá là rất có năng lực và ưu thế trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng lại gặp rào cản về chi phí học phí, ăn, ở khi theo học. Tuy nhiên, để thông tin về chương trình đến được với các bạn học sinh vùng sâu, vùng xa thì cần quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin truyền thông, công nghệ thông tin để các bạn có thể tiếp cận và biết đến. Thêm nữa, khoa Thủy sản cũng tạo điều kiện cho các bạn theo học các ngành nghề khác, khi ra trường không có cơ hội việc làm. Cụ thể, khoa sẽ có cam kết về đầu ra, đảm bảo công việc cho các bạn khi ra trường ngay trong năm đầu tiên, với mức lương khởi điểm 10 – 15 triệu đồng. Việc làm này giúp các bạn tin tưởng, yên tâm theo học và có định hướng rõ ràng trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Học viên, sinh viên thực hành tại Bộ môn Bệnh Thủy sản, khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)
 

Ông có thể giới thiệu đôi nét về khoa Thủy sản - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Có thể nói, khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản. Năm 2015, khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp được tách ra từ khoa Chăn nuôi – Thú y. So với các khoa hiện nay của Học viện, khoa Thủy sản cũng là một trong những khoa mới. Tuy nhiên, khoa tập trung được đội ngũ giảng dạy chất lượng cao, được phân đi học và đào tạo tại các nước có nền khoa học tiên tiến như Anh, Úc, Nhật, Bỉ, Đức... Hiện tại, đội ngũ các giảng viên của khoa đang có 8 tiến sỹ đều được đào tạo và tốt nghiệp tại các nước có ngành Thủy sản phát triển. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu khoa học của khoa Thủy sản cũng là một trong những nhóm giành được nhiều thành tựu và có nhiều bài báo được đăng tải nhất trên các trang báo quốc tế trong năm 2019 của chương trình từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Từ đó có thể thấy rằng, đội ngũ khoa Thủy sản quy tụ những người trẻ năng động, trình độ cao. Thêm nữa, số sinh viên của khoa không quá đông cũng là một ưu điểm, các thầy cô sẽ có điều kiện chăm sóc, gần gũi với sinh viên để chia sẻ, hỗ trợ các bạn trong quá trinh học tập, nghiên cứu và cập nhật những kiến thức mới ngoài thực tiễn.

Ngành thủy sản của Việt Nam trong những năm gần đây rất phát triển, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, an toàn với môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu. Bởi khi sản phẩm xuất sang các nước châu Âu đều đòi hỏi rất chặt chẽ về chất lượng thực phẩm. Đội ngũ giảng viên của khoa rất nhạy bén trong những vấn đề này, liên tục cập nhật các thông tin thực tế từ thị trường, lồng ghép vào những bài giảng, giúp cho các học viên gắn được với thực tiễn, nắm bắt được tình hình thị trường khi ra trường có thể nhanh chóng thích nghi, hòa nhập được với thị trường. Bên cạnh đó, các thầy cô trong khoa đều rất cởi mở, sẵn sàng cùng đồng hành với các bạn sinh viên đến các trang trại nuôi để học hỏi, trải nghiệm thực tế cùng với người nuôi, và cùng với các bạn sinh viên. Ngoài ra, khoa Thủy sản cũng đang có những mối quan hệ hợp tác rất bền chặt với các doanh nghiệp. Không những là trong các chương trình quảng bá tuyển sinh, mà còn đồng hành với các doanh nghiệp hỗ trợ học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập. Các doanh nghiệp cũng đóng góp rất nhiều cho khoa trong việc xây dựng hình ảnh, đầu tư nghiên cứu ứng với thực tiễn hoặc những đề xuất mà các doanh nghiệp cần.

Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ những bạn học sinh chuẩn bị bước chân vào con đường đại học, hãy chuẩn bị cho mình một ngành nghề có thể đáp ứng được với xu hướng thị trường, cơ hội nghề nghiệp và bên cạnh đó cũng phải đáp ứng được với sở thích, sở trường của bản thân.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phạm Huệ (thực hiện)