Chuẩn đầu ra của mỗi cơ sở đào tạo ngoại ngữ dựa trên cơ sở của Khung ngoại ngữ 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để sinh viên, thầy cô, nhà trường, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được mức độ thành thạo ngoại ngữ của sinh viên. Tuy nhiên, để có được một cái nhìn tổng thể, toàn diện, chính xác về trình độ sử dụng ngoại ngữ của sinh viên một trường đại học là điều không hề đơn giản.

Để tìm hiểu khả năng sinh viên ngoại ngữ có thể đáp ứng được yêu cầu công tác sau khi ra trường, nhóm thực hiện đã tiến hành khảo sát qua bảng hỏi và phỏng vấn sinh viên, giảng viên, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên của trường để tìm hiểu cảm nhận của các đối tượng này về chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của trường, mức độ thể hiện của sinh viên, sự hài lòng của nhà tuyển dụng đối với trình độ thực tế của sinh viên. Quy định về khung ngoại ngữ 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo là căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực cho tất cả ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, là căn cứ để xây dựng chương trình, biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình, sách giáo khoa, kế hoạch giảng dạy, các tài liệu dạy học ngoại ngữ khác và xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, thi và đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; làm căn cứ cho giáo viên, giảng viên lựa chọn và triển khai nội dung, cách thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá để người học đạt được yêu cầu của chương trình đào tạo; giúp người học hiểu được nội dung, yêu cầu đối với từng trình độ năng lực ngoại ngữ và tự đánh giá năng lực của mình; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia ứng dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR).

Dựa trên chuẩn đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng bộ chuẩn đầu ra đối với sinh viên chuyên ngành, để có thể đánh giá được bộ chuẩn này từ nhiều phương diện khác nhau, nhằm tìm hiểu thực trạng chuẩn đầu ra Ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông qua khảo sát và phỏng vấn 50 sinh viên hai khóa 62, 63, cộng với 30 nhà tuyển dụng; 30 giảng viên; 30 nhà khoa học tại 10 doanh nghiệp thuộc các tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Hải Dương. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Mọi chi tiết về kết quả nghiên cứu, xin liên hệ: TS. Nguyễn Thị Thu Thủy – Bộ môn Tiếng Anh chuyên nghiệp – Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam – SĐT: 0983.045.379