Để giành lại vị thế người thầy, trước hết nhà giáo phải có ý thức tự tôn, phải biết tự trang bị cho mình bản lĩnh, độ dày tầng văn hóa để ngẩng cao đầu trong xã hội còn có những điều nhiễu nhương...

leftcenterrightdel
 Nghề nào cũng cao quý và đáng trân trọng, nhưng nghề giáo là một trong số rất ít nghề được cho là cao quý và đáng trân trọng nhất

Giáo dục làm nên tầm vóc của một dân tộc

Lịch sử phát triển nhân loại thời hiện đại cho thấy, các nước trở nên hùng cường và văn minh chủ yếu là do họ đã biết nhờ cậy vào: Một là, Nền giáo dục khai sáng, nhân bản và hướng thiện; Hai là, Chính phủ biết khởi tạo nên các giá trị mới, các nền tảng mới cho xã hội (XH), phục vụ nhân dân và liêm chính trong công vụ; Ba là, Tầng lớp doanh nhân có khát vọng và dấn thân vì sự vững mạnh của chính họ và vì sự cường thịnh của đất nước họ.

Trong đó, giáo dục luôn giữ vai trò mang tính quyết định đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia; và các trường đại học được coi là biểu tượng tri thức của một đất nước, là niềm tự hào của một dân tộc; vì giáo dục góp phần tạo nên phẩm cách con người, "nếp nhà" của một gia đình, và giáo dục cũng làm nên tầm vóc của một dân tộc.

Nghề nào cũng cao quý và đáng trân trọng, nhưng nghề giáo là một trong số rất ít nghề được cho là cao quý và đáng trân trọng nhất; vì thế, nghề này đòi hỏi sự nghiêm cẩn, trong sáng và mô phạm hơn bất cứ nghề nào khác. Điều đó làm nên sự tôn nghiêm của nghề.

Nhờ thế, mỗi mái trường, đồng thời với vị trí cao sang như một tòa tháp của trí tuệ, của tri thức mang dấu ấn thời đại, thì đều như một thánh đường của đạo đức, của văn hóa, của các giá trị nhân bản mang dấu ấn của dân tộc, của thời đại, của các giá trị thuộc về vĩnh hằng.

Vì thế, các trường học thường được coi là biểu tượng tri thức và văn hóa của một đất nước, là niềm tự hào của một cộng đồng.

Cái làm nên vóc dáng, hình hài, hồn cốt của bất kỳ nền giáo dục nào cũng là Thầy và Trò. Tất nhiên là Thầy phải ra Thầy và Trò phải ra Trò!. Cái gì làm nên linh hồn của các thánh đường về đạo đức và văn hóa ấy? Sự trung thực, liêm chính, tự trọng, tự tôn của Thầy và Trò làm nên hồn cốt của một mái trường, một nền giáo dục.

Nghề giáo, từ đông sang tây, từ cổ chí kim, từ thời đại 1.0 đến thời đại 5.0, đều có vị thế cao cả, danh giá; nhà giáo luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng và ngưỡng mộ. Tại sao thế?

Vì nhà giáo, không những chỉ truyền dạy cho thế hệ đương thời và thế hệ sau những kiến thức cơ bản, nền tảng được chắt ra từ kho tàng tri thức của nhân loại dồn tụ lại từ các thế hệ trước mà còn truyền dạy cho thế hệ sau những tinh hoa và các giá trị cốt lõi về đạo đức, về văn minh, các chuẩn mực về văn hóa của dân tộc, của thời đại.

Đồng thời, họ còn thắp lên trong lòng người học sự đam mê sáng tạo, khát vọng đổi mới, với bầu nhiệt huyết cống hiến luôn đong đầy.

Họ truyền dạy các giá trị ấy trước hết bằng chính tấm gương đạo đức, phẩm hạnh và giá trị của bản thân họ - các nhà giáo.

Thế nên, mỗi nhà giáo luôn phải là một tấm gương sáng về đạo đức và trí tuệ để người học soi mình vào đó, và những giá trị mà họ lĩnh hội được từ người Thầy, thường đi theo họ trong suốt cuộc đời.

leftcenterrightdel
Mỗi nhà giáo luôn phải là một tấm gương sáng về đạo đức và trí tuệ để người học soi mình vào đó, và những giá trị mà họ lĩnh hội được từ người Thầy, thường đi theo họ trong suốt cuộc đời. 

Vì đâu nên nỗi?

Ngành giáo dục trong những năm qua đã có nhiều cố gắng, làm được nhiều việc, đã tạo lập nên những thành tích rất đáng trân trọng, đã tạo lập nên nhiều điểm sáng, nhiều vùng sáng, làm xúc động biết bao con tim của những người trong và ngoài ngành.

Những cô giáo ngày đêm bám bản, bỏ lại đằng sau cả tuổi thanh xuân, cả thời đẹp nhất của cuộc đời mình, hết lòng hết sức vì học sinh thân yêu; các học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế; các sinh viên lọt vào danh sách các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, gương mặt trẻ tiêu biểu châu Á, những người lính biên phòng kiêm thầy giáo bản…

Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn như các mô hình trường chuyên lớp chọn theo cách "bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng"; và còn nhiều điểm chưa sáng, vẫn còn đó những khoảng tối, làm nhức nhối xã hội, như bạo lực học đường, gian lận thi cử, các hành vi vô luân, phi giáo dục vẫn còn tồn tại đâu đó trong nhà trường.

Người ta còn cho rằng, khá nhiều các vấn nạn khác của xã hội như thói giả dối, sợ sự thật, các hành vi tráo trở, lươn lẹo, bịp bợm... cũng đều có sự đóng góp không nhỏ của giáo dục, nếu như không muốn nói là có nguồn gốc từ giáo dục.

Đặc biệt tính giả dối đi liền với căn bệnh sợ sự thật, làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong sạch khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che sự thật, bưng bít sự thật?

Đành rằng cái tốt là cơ bản, điều làm chúng ta chưa yên tâm, chưa vừa lòng là thiểu số; nhưng có lẽ những cái còn chưa tốt, những cái làm xã hội còn chưa yên lòng đã tạo ra một "bộ phận không nhỏ" nhưng cũng đã đủ lớn để tạo nên các nỗi âu lo "không nhỏ" về nền giáo dục của đất nước, về đạo đức học đường, về đạo đức xã hội trong giai đoạn hiện nay;  khi người ta phải chứng kiến sự băng hoại các giá trị đạo đức cốt lõi của dân tộc, các giá trị đạo đức tinh hoa của nhân loại, nhất là đạo đức người thày, đạo đức người trò, và thái độ "đối xử" của xã hội với nhà giáo, với nghề giáo.

Nhân chi sơ tính bản thiện, sinh ra ở đời, phàm là người bình thường, ai cũng muốn trở thành người tử tế và lương thiện, các nhà giáo lại càng thế; nhưng không phải bao giờ thiên hướng ấy cũng thành sự thật với mọi người.

Vì sao nên nỗi "vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn" như vị Tư lệnh ngành đã phải nhắc nhở, đã phải cảnh tỉnh, đã phải kêu gọi.

Một khi thầy không ra thầy trò không ra trò, một khi lâu đài về trí tuệ, lâu đài về đạo đức bị xâm hại, bị tổn thương thì lỗi không phải chỉ là do Thầy và Trò, không chỉ là lỗi của ngành GD&ĐT, mà lỗi từ rất nhiều phía.

Khó khăn lớn nhất trong việc được sống xứng đáng như một người Thầy của các nhà giáo hiện nay là chế độ lương.

Người Việt lại nói, "đói ăn vụng túng làm liều", lương không đủ để lo những nhu cầu sống và làm việc thiết yếu nhất, khi người thầy vẫn phải chật vật xoay xở vì miếng cơm manh áo, người ta dễ sinh tật, dễ đánh mất mình.

Nhiều người trong số họ ban đầu buộc phải nhắm mắt đưa chân vào việc dạy thêm như cần câu cơm, như một sinh kế, rồi có người không giữ được phẩm hạnh, dần bị tha hóa và biến chất.

Hệ quả lớn nếu người Thày sa sút

Nếu như môi trường xã hội chưa trong lành, chưa tiên học lễ hậu học văn, pháp luật, lẽ phải và các giá trị cao đẹp chưa được coi trọng và thượng tôn, nếu như ngành giáo dục chưa thực sự dành cho người Thầy sự tôn trọng.

Trên thực tế, lãnh đạo ngành và xã hội chưa thực sự thành tâm dành cho nhà giáo vị thế xứng đáng mà đúng ra người thầy đã có và phải có, thì sự nỗ lực của mỗi nhà giáo dù rất lớn và rất đáng trân quý, nhưng "ốc không mang nổi mình ốc", sẽ không mấy có ý nghĩa, không mấy có sức nặng trong công cuộc xác lập lại vị thế người thầy.

Sự sa sút về phẩm hạnh người Thầy sẽ kéo theo một hệ quả lớn, là nó có thể làm sụp đổ toàn bộ quá trình giảng dạy đạo đức hay nhân cách cho học sinh, khi chính những người thầy ở vị trí có tính biểu tượng truyền thống về đạo đức và đang giảng dạy đạo đức lại làm những việc trái với những điều họ răn dạy về đạo đức, về luôn thường đạo lý cho học trò.

Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội; Nhân cách, phẩm giá, vị thế người Thầy phụ thuộc rất lớn vào tồn tại xã hội. Giáo dục là công cụ kỳ diệu để phát triển con người, để thay đổi thế giới; nên theo lẽ biện chứng tự nhiên, thời đại nào có nền giáo dục của thời đại ấy, nền giáo dục nào có con người của nền giáo dục ấy.

Nghĩa là, xã hội thế nào thì giáo dục thế ấy, xã hội thế nào thì con người thế ấy; bởi lẽ, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, con người là chân dung của xã hội, chân dung của thời đại.

Nếu như mọi nguồn cơn của nền giáo dục đều "trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo", thì nền giáo dục của chúng ta đã không ở những thang bậc như hiện nay trong lòng dân, trong nhận thức xã hội.

Đòi hỏi trước hết người thầy phải cố gắng mới lấy lại được vị thế người thầy trong một xã hội còn đang thiếu tôn trọng người thầy là đúng nhưng chưa đủ, đó mới là mong muốn, mà đã là mong muốn thường là duy tâm.

Vậy giấc mơ chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm, dưới góc nhìn của chủ nghĩa duy vật lịch sử, có thể trở thành hiện thực trên cuộc đời này được không? Có biện chứng và duy vật không?

Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta.

leftcenterrightdel
Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. 

Nền giáo dục sẽ phải như thế nào?

Để giành lại vị thế người thầy, trước hết Nhà giáo phải có ý thức tự tôn, phải biết tự trang bị cho mình bản lĩnh, độ dày tầng văn hóa để có thể ngẩng cao đầu trong một xã hội còn có những điều nhiễu nhương, ngang trái; tất nhiên là như thế!

Nhưng quan trọng và mang tính quyết định hơn là xây dựng được một xã hội, một môi trường giáo dục, ở đó những điều cao đẹp và các giá trị nhân bản được tôn trọng, đề cao và vinh danh, được sinh sôi và nảy nở; những điều xấu xa, bạc ác, vô ơn, thấp hèn bị lên án, bị khinh rẻ, bị triệt tiêu.

Gia đình thiện lương thường có những đứa con tử tế và hiếu đễ; xã hội thiện lương, lấy giá trị của đạo đức xã hội và sự cống hiến cho các giá trị chung của mỗi công dân làm thước đo, sẽ có các công dân ra công dân.

Muốn lấy lại vị thế của người Thầy, ở đó sự liêm chính của Thầy và Trò được thượng tôn, thật đơn giản, chỉ cần làm đúng những lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng dạy: Thầy ra Thầy thì tự khắc Trò sẽ ra Trò, Trường đã ra Trường, tự nhiên Lớp sẽ ra Lớp, tự khắc ở đó sẽ có sự tôn nghiêm của nghề giáo, sẽ có vị thế cao cả, được kính trọng và ngưỡng mộ của nhà giáo.

Muốn vậy, cũng thật là đơn giản, chỉ cần thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá người Thầy người Trò nói riêng, đánh giá và sử dụng, trọng dụng con người, nhất là người tài nói chung.

Điều đó phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu giáo dục: Nền giáo dục ấy nhằm đào tạo ra các công dân hay các thần dân trong tương lai?

Từ mục tiêu, chương trình đào tạo được thiết kế vì người học, vì con trẻ hay là vì "người lớn"; nếu vì con trẻ, chương trình đào tạo sẽ không còn bị áp đặt từ bên trên, từ bên ngoài nhà trường; nhờ thế, sẽ không còn các chương trình đào tạo được thiết kế quá tải về kiến thức, trong đó có nhiều thứ không thiết thực, người học không cần, không muốn học, nhưng họ buộc phải học đối phó; học để thi, để có mảnh bằng, để được yên thân; dẫn đến học thiếu thực chất, thiếu thực lực, thiếu thực học, nên cũng thiếu thực tài.

Chương trình đào tạo được thiết kế vì người học sẽ không còn chỗ cho lối giáo dục nặng về điểm số, nặng về thi cử, nặng về thành tích, không quan tâm đến sự hứng thú của người học và tính thực tiễn của các kiến thức.

Nền giáo dục ấy phải thiết kế làm sao để cho quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo là chính, quá trình rèn luyện mang tính áp đặt từ bên ngoài thành quá trình tự tu dưỡng, đảm bảo sự tu dưỡng từ bên trong của mỗi một con người là chủ yếu.

Trong đó, ngành giáo dục cần đặc biệt coi trọng việc truyền thụ và rèn luyện tính trung thực, liêm chính, tự trọng của mỗi con người theo 5 điều Bác Hồ dạy, nhất là về các đức tính Khiêm tốn, Thật thà, Dũng cảm, các đức tính cốt lõi để làm nên phẩm hạnh và tầm vóc một con người.

Làm thế nào để chúng ta có những thế hệ học trò sống không gian dối, sống ngay thẳng và cương trực, đủ dũng khí đấu tranh và loại trừ các xấu, cái ác, bảo vệ cái tốt đẹp, cái thiện lương, điều tử tế, loại bỏ thói háo danh và hãnh tiến, xây dựng một xã hội thích đi vào bản chất sự việc và sự vật hơn là thích đi vào các hình thức sáo rỗng khoe mẽ bề ngoài,

Trông chờ vào quyết sách của tân Bộ trưởng

Vừa qua, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có bức tâm thư gửi các nhà giáo toàn quốc sau khi ông nhậm chức đã gây sự chú ý của dư luận.

Bức thư đã thể hiện những mong muốn và khát vọng của ông, những lời tâm huyết rất đáng trân quý với nghề giáo, với nhà giáo, với ngành của ông.

Người ta cũng chưa kịp phân tích xem các mong mỏi và khát vọng ấy có khả thi hay không và khả thi đến đâu nhưng chắc chắn là toàn xã hội, các bậc phụ huynh và hàng triệu học sinh, sinh viên vẫn đang trông chờ vào các quyết sách của ông.  Trong đó có các quyết sách mang tính đột phá, mang tính mở đường dẫn lối, để giáo dục Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới, trong kỷ nguyên chuyển đổi số của thời đại.

Ai cũng mong và tin là ông sẽ thành công! Tin là ông đã có các quyết sách, "rộn đường gần với nỗi xa bời bời" trên con đường vinh quang nhưng còn đầy các thách thức; Ai cũng mong ông luôn chân cứng đá mềm để biến khó khăn thành cơ hội, biến thách thức thành thời cơ trên cương vị cao cả của mình, vì tương lai của nền giáo dục Việt Nam.

Nền giáo dục đang chờ ông, xã hội và người dân đang ngóng trông và ủng hộ ông. "Thương sao cho trọn thì thương/Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng".

Trần Đức Viên