Với bề dày lịch sử 55 năm xây dựng và phát triển, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hơn nửa thế kỷ qua, Khoa đã đào tạo, cung cấp cho xã hội hàng chục nghìn cử nhân kinh tế.  Chương trình đào tạo của Khoa cũng không ngừng đa dạng, hoàn thiện phù hợp với thực tế, định hướng xây dựng, hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Theo đó, từ chỉ đào tạo duy nhất một ngành là Kinh tế nông nghiệp vào những năm đầu thành lập (1961) thì đến nay, Khoa còn mở rộng, xây dựng thêm các chuyên ngành Kinh tế, Kinh tế phát triển, Quản lý Kinh tế, Kế hoạch và Đầu tư, Phát triển nông thôn. Đặc biệt Khoa đã xây dựng thành công hai chuyên ngành đào tạo chất lượng cao là  Phát triển nông thôn định hướng nghề nghiệp, ứng dụng (POHE) và Kinh tế nông nghiệp chất lượng cao.


Chuyên ngành Kinh tế: Chương trình đào tạo được thiết kế nhằm mục tiêu truyền đạt cho sinh viên các kiến thức lý luận chuyên sâu về kinh tế, nguyên lý kinh tế, các kiến thức về tổ chức vùng kinh tế, ngành kinh tế; huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế, quản lý nhà nước về kinh tế, hợp tác trong phát triển kinh tế; Trang bị các kiến thức về hệ thống kinh tế - xã hội, kinh tế lượng, dự báo kinh tế, quản lý rủi ro, quản lý nhân lực, quản lý tài nguyên cho quá trình phát triển kinh tế, các kiến thức về tài chính, tiền tệ cho phát triển kinh tế…

Sinh viên theo học chuyên ngành Kinh tế sẽ tiếp thu được các kỹ năng về thu thập thông tin, sử dụng công cụ, kiến thức, phần mềm để khảo sát, phân tích, đánh giá thông tin, đưa ra quyết định kinh tế cụ thể; sinh viên có kỹ năng xây dựng chiến lước, kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động kinh tế trong từng lĩnh vực của ngành nghề; có các kỹ năng quản lý, lãnh đạo, giám sát, đánh giá các hoạt động kinh tế; kỹ năng quản lý làm việc nhóm; kỹ năng ngoại ngữ tốt và các kỹ năng mềm khác.

Chuyên ngành Kinh tế phát triển: Truyền thụ cho sinh viên các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kinh tế, kinh tế phát triển, phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng, kinh tế công cộng, kiến thức về chiến lược, kế hoạch phát triển, chính sách phát triển.

Biết vận dụng các kiến thức vào lập, phân tích các chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; Biết vận dụng các kiến thức của chuyên ngành vào quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành nông – công – thương; có khả năng xây dựng, phân tích, đánh giá các chiến lược, kế hoạch phát triển ở các cấp; có khả năng đề xuất được các giải pháp, kiến nghị cho phát triển kinh tế - xã hội các cấp. Ngoài ra, sinh viên còn được học tập và trang bị các kiến thức kỹ năng về quản lý, lãnh đạo, làm việc nhóm, thuyết trình; có kỹ năng ngoại ngữ tốt và các kỹ năng mềm cần thiết cho thực hành nghề nghiệp sau khi ra trường.

Chuyên ngành Quản lý kinh tế: Trang bị cho sinh viên các kiến thức lý luận và thực tiễn về quản lý, khoa học quản lý, đặc biệt là về quản lý kinh tế, quản lý và sử dụng tài nguyên, các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, các kiến thức về kinh tế, dự báo kinh tế, kinh tế môi trường, kinh tế nguồn lực, kinh tế tài nguyên, kinh tế và quản lý lao động, kinh tế quốc tế, kinh tế phát triển, kinh tế thương mại và dịch vụ, kinh tế bảo hiểm, kinh tế nông hộ…

Sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ hình thành nên các kỹ năng về quản lý, lãnh đão; các kỹ năng về xây dựng, thẩm định, triển khai, giám sát đánh giá về các chiến lược, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; các kiến thức, kỹ năng về quản lý khoa học công nghệ, kỹ năng phân tích, xây dựng và triển khai các chính sách phát triển; sinh viên có khả năng học tập, nghiên cứu và hoạt động độc lập; có các kỹ năng quản lý, lãnh đạo, quản lý nhóm, làm việc nhóm; kỹ năng, khả năng tiếng Anh tốt và các kỹ năng thực hành nghề nghiệp khác.

Chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư: Sinh viên theo học chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ lĩnh hội được các kiến thức về đầu tư, kinh tế đầu tư, kế hoạch, kế hoạch và đầu tư; các kiến thức về nguyên lý đầu tư, luật đầu tư, tài chính tiền tệ, tài chính công, bảo hiểm… Có được các kiến thức, kỹ năng trong xây dựng, thẩm định, triển khai các kế hoạch, dự án đầu tư; các kiến thức, kỹ năng về quản lý dự án, quản lý rủi ro đầu tư, quản lý thị trường chứng khoán; các kỹ năng về tổ chức đấu thầu, làm hồ sơ tham dự thầu, lựa chọn thầu…

Bên cạnh đó, sinh viên còn có các kỹ năng làm việc độc lập, sáng tạo, có tư duy về quản lý đầu tư, kỹ năng về xây dựng chiến lược, kế hoạch, tổ chức, quản lý trong các lĩnh vực ngành nghề, đặc biệt là về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; các kỹ năng mềm khác như ngoại ngữ, làm việc nhóm, thuyết trình, tin học…

Chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp: là chuyên ngành đào tạo thế mạnh của khoa có truyền thống 55 năm hình thành và phát triển. Chương trình đào tạo ngành kinh tế nông nghiệp sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kinh tế, kinh tế nông nghiệp, các kiến thức về phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng, chính sách nông nghiệp, tài chính nông nghiệp, marketing trong nông nghiệp, quản lý nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn, quản lý tài nguyên…

Sau khi tốt nghiệp sinh viên theo học chuyên ngành này có khả năng vận dụng các kiến thức lý luận vào phát hiện và giải quyết các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn; các kỹ năng về phân tích chính sách nông nghiệp, phân tích, xây dựng và triển khai các chính sách, chiến lược và chương trình phát triển các lĩnh vực về kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn… Bên cạnh đó, sinh viên có khả năng tư duy, làm việc độc lập, có kỹ năng quản lý lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, có khả năng sử dụng tốt tiếng Anh và kỹ năng tin học văn phòng.

Chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp chất lượng cao: Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của trường Đại học Kentucky - Hoa Kỳ và trường Đại học Sydney - Úc.

Mục tiêu của chương trình đào tạo là nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kinh tế nông nghiệp, chính sách nông nghiệp, marketing hàng nông sản. Đồng thời trang bị cho sinh viên kỹ năng liên hệ giữa lý thuyết với thực tiễn, năng lực phát hiện, giải quyết các vấn đề kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng làm việc độc lập, sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo và quản lý, làm việc nhóm, có khả năng sử dụng, tự tin giao tiếp tiếng Anh và các kỹ năng mềm khác.

Chuyên ngành Phát triển nông thôn: Chương trình đào tạo của chuyên ngành Phát triển nông thôn được xây dựng nhằm đào tạo cho xã hội các cán bộ làm công tác quản lý và phát triển. Theo đó sẽ trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản và chuyên sâu trên các lĩnh vực kinh tế, kinh tế phát triển, nông – lâm – ngư nghiệp, các vấn đề về nông nghiệp và nông thôn, phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng, thể chế, chính sách phát triển, tài chính tiền tệ, sinh thái môi trường, tài nguyên và môi trường, các kiến thức về các lĩnh vực văn hóa – xã hội…

Theo học chuyên ngành Phát triển nông thôn, sinh viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng về quản lý, quản lý phát triển nông thôn, quản lý các chương trình dự án; có khả năng xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai, giám sát, đánh giá các chiến lược, kế hoạch, dự án phát triển nói chung, phát triển nông thôn nói riêng… Ngoài ra, sinh viên còn được cung cấp các cơ hội thực hành, hình thành kỹ năng, kỹ xảo trong quản lý, lãnh đạo, làm việc nhóm, thuyết trình, cung ứng các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, làm công tác khuyến nông, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết khác.

Chuyên ngành Phát triển nông thôn định hướng nghề nghiệp, ứng dụng (POHE): Chương trình đào tạo tiến tiến theo định hướng nghề nghiệp được xây dựng với sự hỗ trợ và tư vấn của Dự án POHE - Hà Lan. Quan điểm đào tạo của chuyên ngành nhằm tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên với thực tế. Theo đó, sinh viên được tăng cả cơ hội và thời gian được thực hành, đi quan sát thực tế để tự học hỏi các kiến thức xã hội, kinh nghiệm thực tế từ đó hình thành các kỹ năng cơ bản của nghề nghiệp.

Chương trình này trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về phát triển, phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng, kiến thức và kỹ năng về tổ chức sản xuất và cung ứng dịch vụ phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo học chương trình Phát triển nông thôn theo định hướng nghề nghiệp, ứng dụng, sinh viên lĩnh hội được các kỹ năng về nghề nghiệp; kỹ năng phân tích, đánh giá các vấn đề trong nông thôn; kỹ năng thiết kế và triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển và phát triển nông thôn; Kỹ năng về tổ chức, sản xuất cũng như khả năng độc lập cung ứng các dịch vụ tư vấn phát triển nông thôn và khuyến nông; kỹ năng trong hoạt động và giải quyết các vấn đề xã hội và công tác xã hội trong phát triển nông thôn… Sinh viên theo học ngành này còn được trang bị các kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng quản lý, lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học…


Chương trình đào tạo của các chuyên ngành đều được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia và tham khảo từ các chương trình đào tạo tương ứng ở các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới theo hướng tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên, tăng cường tương tác giữa sinh viên với thực tế, gắn lý thuyết với thực hành, thực tế hướng tới trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp khi ra trường.

Các chương trình đào tạo chất lượng cao còn tạo dựng môi trường học tập chuyên nghiệp theo hướng tương tác tích cực giữa giảng viên với sinh viên trong khuôn khổ chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nhằm trang bị cho sinh viên ngoài những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp còn có thêm kỹ năng về ngoại ngữ.

Mặt khác, chương trình đào tạo của Khoa còn được thiết kế gắn với tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được tiếp xúc với sinh viên nước ngoài, được giao lưu, học tập do giảng viên của các trường đại học nổi tiếng như ĐH Winconsine – Mỹ, Đại học Humbold – Đức, Đại học Kyoto – Nhật Bản… Ngoài ra, sinh viên của Khoa còn có cơ hội được tu nghiệp ngắn hạn tại nước ngoài như Israel, Nhật Bản, Hà Lan…

Sinh viên của Khoa sẽ có cơ hội học tập trong môi trường năng động, sáng tạo và có tính tương tác cao với thực tế, có nhiều cơ hội để phát triển các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng mềm khác, sau khi ra trường có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm và cơ hội để phát triển tương lai.

Sinh viên khi tốt nghiệp ra trường có cơ hội học tập Cao học tại các chuyên ngành của Khoa như Kinh tế nông nghiệp, Quản lý kinh tế, Quản lý phát triển nông thôn… Đồng thời sinh viên có cơ hội việc làm ở các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức Phi Chính phủ (NGO), các doanh nghiệp, các doanh nghiệp về nông nghiệp, làm cán bộ phát triển, cán bộ phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng….