Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi toàn diện các nền sản xuất trên thế giới và ở Việt Nam, trong đó là sự kết hợp của 3 công nghệ nền tảng chủ đạo: Tự động hóa (Robotics), Internet vạn vật (IoT), và trí tuệ nhân tạo (AI). Cuộc cách mạng này sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất, quản lý và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Nền sản xuất “tự động” đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ ba sẽ sớm chuyển sang nền sản xuất “thông minh”, ở đó đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, với nền tảng kiến thức và kỹ năng nhất định. Trong tương lai sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản bên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Con người lúc này chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được. Rõ ràng bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác giáo dục và đào tạo. “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu giúp cách mạng công nghiệp 4.0 thành công”, đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0” diễn ra ngày 26/02/2018 tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Xuân Kỳ, 2018).
Sự xuất hiện của cuộc cách mạng 4.0 làm xuất hiện những xu thế phát triển mới của nền kinh tế - văn hóa và xã hội, kéo theo những xu thế mới về việc làm, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực cơ điện nông nghiệp. Ví dụ, đối với ngành máy nông nghiệp: trong quá khứ, ngành này chủ yếu tập trung vào việc tối ưu hóa bản thân máy nông nghiệp, thì nay dần chuyển hướng tới tích hợp tối ưu máy nông nghiệp vào hệ thống sản xuất. Mặt khác, các nhà sản xuất máy nông nghiệp đang chuyển từ tiếp cận phần cứng sang tiếp cận theo hướng dịch vụ. Các máy nông nghiệp cần có sự tương thích với cơ sở hạ tầng số của nông trại và phải đáp ứng được yêu cầu tối ưu hóa quy trình sản xuất. Các máy cho nông nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí (Trần Anh Quân, 2018):
- Có thể gửi và nhận thông tin thông qua các bộ cảm biến và phần cứng truyền thông thích hợp.
- Tạo điều kiện cho vận hành tự động (máy tự hành).
- Cho phép sử dụng tối ưu máy móc và hỗ trợ người lái phương tiện.
Khoa Cơ Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam với bề dày hơn 60 năm xây dựng và phát triển, trước những yêu cầu và thách thức của thời đại, Ban chủ nhiệm Khoa, với sự đồng ý của Ban Giám đốc Học viện, đã mạnh dạn đề xuất xây dựng các ngành học mới trong năm học 2018 - 2019. Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử với sự kết hợp của 3 nền tảng khối kiến thức về cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin sẽ đáp ứng được phần nào yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ công nghệ số. Sau khi tốt nghiệp, người học có kiến thức và kỹ năng hiểu biết, vận hành, thiết kế và sáng tạo được các máy móc thông minh, phục vụ nông nghiệp (có thể truyền được dữ liệu, vận hành tự động, tối ưu chế độ,…).
Trong quá trình xây dựng chương trình, để xây dựng chuẩn đầu ra (theo chuẩn Bloom) với các kỹ năng tư duy thứ bậc (nhớ, hiểu, ứng dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo), Khoa đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các bên liên quan: Nhà tuyển dụng, nhà khoa học, các giảng viên, cựu sinh viên,… nhằm xây dựng được các chuẩn kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Với xu thế thay đổi KHCN nhanh: chương trình đào tạo các ngành của khoa Cơ Điện nói riêng, của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung bổ sung các kỹ năng kỹ thuật (rèn nghề, thực hành ở các doanh nghiệp ngoài trường, với chương trình 5 năm: ít nhất 24 tín chỉ, với chương trình 4 năm: ít nhất 13 tín chỉ), hình thành các kỹ năng bổ trợ thiết yếu: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hội nhập quốc tế, quản lý bản thân,… đáp ứng thực hiện hiệu quả công việc và đối phó với việc công nghệ thay đổi nhanh chóng.
Ngoài ra, các chương trình đào tạo còn bổ sung, trang bị các kiến thức về kinh tế, môi trường, đáp ứng phát triển bền vững, toàn diện, thân thiện với môi trường. Trong quá trình đào tạo, sinh viên còn được giáo dục thay đổi tư duy từ chờ việc làm, xin việc sang tư duy tự tạo việc làm, khởi nghiệp sáng tạo và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.