Ngày 27/6 vừa qua, Ban quản lý dự án GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP ỨNG DỤNG GIAI ĐOẠN 2 (POHE2) Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết kết quả thực hiện dự án. Đến dự Hội nghị có sự tham gia đông đảo của các đại biểu công giới (thị trường lao động): Ông Đàm Quang Thắng – Tổng giám đốc Công ty AgriCare Việt Nam, Bà Dương Thị Thu Huệ - Giám đốc công ty TNHH XNK KINOKO Thanh Cao, ông Ngô Anh Tuấn – Giám đốc công ty TNHH JAPHA Carefeed Việt Nam, ông Trần Xuân Dũng – Tổng giám đốc Công ty TNHH CJ Vina Agri – Chi nhánh Hưng Yên, Bà Phạm Thị Mỹ Dung – Giám đốc Công ty ĐTH, Ông Nguyễn Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, ông Nguyễn Hải Châu – Phó Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Tuấn Tú, ông Lưu Tiến Minh – Cố vấn Cao cấp Công ty Đầu tư và phát triển Tuấn Tú và ông Phạm Ngọc Thức – Tổng giám đốc công ty cổ phần Kim Chính và ông Phùng Xuân Việt, đại diện UBND huyện Gia Lâm.

Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện có PGS.TS. Phạm Văn Cường – Phó giám đốc Học viện, Giám đốc dự án, PGS. TS. Trần Thị Minh Hằng – Điều phối viên Dự án, cùng với sự có mặt của đại diện trưởng, phó các Ban Quản lý đào tạo, Ban CTCT&CTSV, Ban Hợp tác quốc tế, Ban CSVC và Đầu tư, Ban Tài chính Kế toán, Trung tâm Đảm bảo chất lượng; Đại diện của Ban chủ nhiệm khoa, trợ lý POHE khoa và trưởng nhóm phát triển chương trình đào tạo của 8 khoa đang thực hiện đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE).
Khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Cường đã nhấn mạnh
việc phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng là phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay, khi mà các trường đại học đào tạo dư thừa quá nhiều nhà kỹ sư lý thuyết mà không giỏi thực hành, trong khi đó thị trường lao động rất cần các kỹ sư, cử nhân ra trường đáp ứng được ngay các công việc của họ. Do đó, PGiám đốc Học viện yêu cầu trong Hội nghị này cần nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo, giảng dạy và vận hành các chương trình theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng hay công tác phối hợp giữa Học viện và thị trường công giới để các chương trình đã được xây dựng lên phát triển đúng hướng và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Hội nghị đã nghe các báo cáo kết quả xây dựng và phát triển chương trình của 8 khoa Nông học, CNSH, CNTT, Kế toán và QTKD, Kinh tế và PTNT, Cơ Điện, Chăn nuôi và Sư phạm Ngoại ngữ. Các mặt thuận lợi và khó khăn cũng như các kết quả đã đạt được và chưa được trong quá trình vận hành chương trình đào tạo đều được các báo cáo trình bày thẳng thắn, tập trung ở một số điểm chính như sau:

- Các khoa đều đã xây dựng được chi tiết chương trình đào tạo và hồ sơ năng lực dựa trên quá trình điều tra và tham vấn công giới; tổ chức nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên POHE thông qua các lớp tập huấn do ban quản lý dự án POHE2-VNUA tổ chức và các chương trình đi thực tế tại các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến chuyên môn. Tuy nhiên, các khoa cũng kiến nghị cần có chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên tham gia đào tạo POHE.

- Mỗi ngành đều đã tuyển sinh được 01 lớp sinh viên. Tuy nhiên, số lượng sinh viên ở nhiều ngành còn ít do công tác tuyên truyền, phổ biến về hình thức đào tạo POHE chưa được quan tâm đúng mức. Cần thay đổi cách thức quảng bá giới thiệu các ngành học này trong tương lai để thu hút được nhiều sinh viên hơn.

- Việc hợp tác với Công giới trong quá trình vận hành các chương trình đào tạo và quảng bá các chương trình đào tạo POHE được các khoa đều triển khai tích cực, thu hút được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan. Cả 8 khoa đều có các văn bản ký kết hợp tác lâu dài với cơ quan, doanh nghiệp về công tác hỗ trợ đào tạo sinh viên. Mặc dù vậy, Học viện cũng cần sớm ban hành những chính sách rõ ràng về cơ chế hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên POHE.

- Điều kiện về cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho quá trình đào tạo sinh viên còn nhiều hạn chế, nhưng thiếu phòng tự học, phòng thực hành, thực tập. Nguồn kinh phí cho hoạt động thực hành thực tập còn rất thấp nên các mẫu vật cũng chưa thể đảm bảo cho việc hướng dẫn sinh viên một cách bài bản.

Hội nghị cũng nghe các báo cáo tổng kết toàn bộ hoạt động của Ban quản lý dự án do PGS.TS. Trần Thị Minh Hằng trình bày. Báo cáo đã nêu rõ những kết quả nổi bật mà Ban quản lý dự án POHE2 của Học viện đã làm được trong suốt quá trình thực hiện, nổi bật như: Hỗ trợ các khoa xây dựng hoàn chỉnh 08 chương trình đào tạo mới theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng; tổ chức tập huấn cho trên 300 lượt giảng viên về xây dựng đề cương chi tiết học phần, phương pháp giảng dạy tích cực theo POHE; tổ chức tập huấn cho trên 400 sinh viên POHE về phương pháp học tập tích cực và hỗ trợ các khoa mở rộng hợp tác với thị trường công giới thông qua các cuộc Hội nghị, hội thảo và các hoạt động đưa giảng viên đi thực tế, học tập tại cơ sở. Bên cạnh đó là các tham luận của Ban Quản lý đào tạo và Trung tâm Đảm bảo chất lượng về định hướng phát triển các chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế trong thời gian tới của Học viện.
Trong phần thảo luận với Công giới, Hội nghị đã lắng nghe 4 tham luận chính thức và rất nhiều các ý kiến đóng góp từ phía các đại biểu là đại diện của các doanh nghiệp có tâm huyết với công tác đào tạo nguồn nhân lực. Các ý kiến đều cho rằng:

  • Việc đào tạo nguồn nhân lực định hướng nghề nghiệp ứng dụng là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu hiện nay của các đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp.
  • Các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ cho công tác đào tạo của Học viện, đặc biệt trong việc hướng dẫn thực hành, thực tập tại cơ sở; kết nối mở rộng mối quan hệ và tuyên truyền về chương trình đào tạo mới này với các doanh nghiệp khác để cùng tham gia vào quá trình đào tạo. Sản phẩm đào tạo là các sinh viên phải được ghi nhận công bẳng bởi 3 bên: Người học + Người dạy + Người kèm (Công giới).
  • Xác lập mối quan hệ giữa Học viện với công giới phải dựa trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Công giới được xác định là một bộ phận không thể thiếu để thực chương trình, kế hoạch và nội dung đào tạo POHE. Bên cạnh đó, Công giới cũng phải đáp ứng các yêu cầu: Công giới được chọn phải là một pháp nhân độc lập có truyền thống; ngành nghề rõ ràng trong ngành nông nghiệp, phải có năng lực tiếp nhận kiến thức và kỹ năng sư phạm và Công giới được chọn phải có điều kiện về không gian; có môi trường văn hóa doanh nghiệp tốt; có cơ sở vật chất đủ đảm bảo cho người lao động làm việc gắn với mô hình; điều kiện thực hành và ăn ở an toàn.
  • Cần xây dựng các bộ công cụ, tiêu chí đánh giá cụ thể đối với hợp phần “Thái độ” trong hồ sơ năng lực sinh viên (Kiến Thức, Kỹ năng và Thái độ). Hiện nay, chưa có thang điểm chính xác cho cụm từ này, ngay từ mỗi môn học đều chưa thể hiện rõ cách đánh giá “Thái độ” của người học. Trong khi đó, ý thức và thái độ thể hiện trong công việc, tại doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng nhất, trước tiên nhất để doanh nghiệp lựa chọn người lao động.

Kết luận tại Hội nghị, PGS. TS. Phạm Văn Cường cho rằng: Các khoa, các chương trình đào tạo cần phải nghiên cứu thiết kế tăng cường năng lực giảng dạy của giảng viên theo đúng tinh thần POHE. Cần mạnh dạn thay đổi tư duy trước tiên từ đội ngũ giảng viên và cán bộ rồi mới đến sinh viên về sự cần thiết phải phát triển đào tạo theo định hướng nghề nghiệp song song với đào tạo truyền thống, đào tạo hàn lâm. Các khoa chuyên môn và các doanh nghiệp cần xây dựng mối liên kết một cách linh động trước khi có các chính sách từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo chất lượng sinh viên khi ra trường và lợi ích của doanh nghiệp. Sinh viên tham gia thực tập tại cơ sở nếu mong muốn học tập nhiều hơn thì ngoài việc được cơ sở hỗ trợ thì phải trả thêm chí phí để được học là phù hợp. Cần tăng cường quảng bá, truyền thông về các chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp đến xã hội nhiều hơn và các khoa phải coi đây là nhiệm vụ sống còn trong quá trình duy trì và phát triển đào tạo của Học viện. Phó Giám đốc cảm ơn các doanh nghiệp tham gia hội nghị đã có những ý kiến đóng góp quý báu cho chương trình cũng như sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp trong suốt quá trình xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo hiện nay. Mong rằng sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và Học viện ngày càng bền chặt trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

   PGS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện, Giám đốc dự án POHE2-VNUA phát biểu khai mạc

Tham dự Hội nghị có đại điện của các Khoa, Ban, Trung tâm và công giới

 

 


Tham luận của các đại diện Công giới



Các đại biểu chụp hình lưu niệm sau khi kết thúc Hội nghị