Nhằm phát huy và ứng dụng Công nghệ sinh học để đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp dược ở Việt Nam, học viện Nông nghiệp Việt Nam mở thêm ngành đào tạo mới “Công nghệ Sinh dược”. Với đội ngũ giảng viên của khoa Công nghệ sinh học được đào tạo tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Úc… có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học cũng như dược phẩm. Người học sẽ được đào tạo để có thể làm chủ và phát huy các kỹ thuật Công nghệ sinh học trong nghiên cứu bào chế, phát triển và kinh doanh dược phẩm, nhằm làm việc hiệu quả trong nước và môi trường quốc tế. Bài viết này sẽ giới thiệu đôi nét về Công nghệ Sinh dược.
Công nghệ sinh dược là gì?
Công nghệ sinh học dược (Công nghệ sinh dược) là lĩnh vực tương đối mới và đang phát triển, trong đó các phương pháp và kỹ thuật CNSH được áp dụng để phát triển thuốc. Phần lớn các loại thuốc điều trị quan trọng trên thị trường hiện tại có nguồn gốc sinh học như các loại kháng thể, hormone hay vắc xin. CNSH trong dược phẩm bao gồm các hoạt động như: phân tích mối liên hệ sức khỏe và bệnh tật, các cơ chế phân tử liên quan, sản xuất và tinh chế các phân tử, xác định độ ổn định, độc tính và khả năng sinh miễn dịch của sản phẩm.
|
|
Các phương pháp CNSH trong phát triển vắc xin SARS-CoV-2 |
Sự phát triển của công nghệ sinh dược
Công nghệ sinh học dược phẩm đã trở thành một công cụ quan trọng trong nghiên cứu và phát triển thuốc dược phẩm. Ngày nay, khoảng 15% doanh thu từ thuốc công nghệ sinh dược. Các bệnh liên quan nhất là ung bướu, rối loạn chuyển hóa, rối loạn hệ cơ xương khớp và các bệnh truyền nhiễm. Trong tương lai, có thể mong đợi rằng mức độ liên quan của dược phẩm sinh học sẽ còn tăng lên. Hiện nay, tỷ lệ các chất trong xét nghiệm tiền lâm sàng dựa vào công nghệ sinh học là hơn 25%.
Ví dụ điển hình cho xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh dược trong tương lai là quá trình nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin SARS-CoV-2. Ngay sau khi vi rut COVID19 xuất hiện, nhiều loại vắc xin được chế tạo với các phương pháp khác nhau của CNSH như công nghệ vắc xin vector (AstraZeneca, Sputnik V), công nghệ vắc xin mRNA (Pfizer và Moderna); trong đó Việt Nam cũng đang phát triển cùng lúc 4 loại vắc xin đều dùng CNSH như ADN tái tổ hợp (Nanocovax) và vector virus (Covivax, Polyvac và Vabiotech).
Đầu tư vào công nghệ cao bền vững như công nghệ sinh dược có tầm quan trọng sống còn đối với một quốc gia trong phát triển các sản phẩm mới, các quy trình, phương pháp và dịch vụ mới và cải tiến những sản phẩm hiện có.
Sự phát triển ngành dược hiện đại
Ngành công nghiệp dược phẩm hiện đại bắt đầu từ giữa những năm 1800 với các hiệu thuốc phát triển buôn bán các thuốc có nguồn gốc thực vật như morphin và quinine. Vào cuối thế kỷ 19, sự phát triển của dược lý học (pharmacology) các loại thuốc hóa tổng hợp đã phát triển mạnh mẽ.
Trong thế kỷ 20, thế giới trải qua 2 cuộc chiến tranh tàn khốc và các cuộc cách mạng công nghiệp mạnh mẽ đòi hỏi ngành dược phải nhanh chóng tạo ra các loại thuốc và phương pháp điều trị bệnh mới phục vụ chiến tranh cũng như trong cuộc sống bình thường. Nhiều loại thuốc khác nhau được tạo ra đem đến giải pháp và hy vọng giải quyết các bệnh tật của thời đại như: thuốc adrenalin và ephedrine điều trị tim mạch, thuốc điều trị bệnh mất ngủ Veronal, thuốc kháng sinh, thuốc trị tiểu đường insulin, vắc xin…
Công việc phát triển thuốc mới đã phát triển từ việc sử dụng kỹ thuật tách chiết, hóa tổng hợp thuốc mới đến việc ứng dụng CNSH trong nghiên cứu dược lý, cũng như tạo ra các hoạt chất ưu việt hơn để phát triển thuốc, đặc biệt công nghệ ADN tái tổ hợp có thể sử dụng vi sinh vật làm nhà máy sản xuất các hoạt chất của thuốc với quy mô lớn và giá thành rẻ đến mức mọi người trên thế giới đều có thể tiếp cận được. Bằng chứng là hiện nay có 2 nhóm công ty chính cùng tham gia nghiên cứu và phát triển dược phẩm, đó là các công ty dược phẩm (Pharmaceutical Company) phát triển thuốc từ các hợp chất hóa học và hóa tổng hợp; công ty CNSH (Biotech Company) sản xuất và thu hoạt chất dược từ chiết xuất hoặc cải biến các hệ thống sống (động vật, thực vật, vi sinh vật).
Khoa CNSH