Sáng ngày 26/7/2023, tại phòng Hội thảo Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức buổi bảo vệ Luận án cấp Bộ môn (cơ sở) cho NCS. Bùi Trọng Tiến Bảo với đề tài: "Phát triển du lịch Đồng Tháp Mười trong bối cảnh hội nhập", chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số: 9.31.01.15.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Bộ môn được thành lập theo Quyết định số 3625/QĐ-HVN ngày 30/6/2023 của Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Hội đồng bao gồm: PGS.TS. Mai Thanh Cúc (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Phạm Văn Hùng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)- Phản biện 1; PGS.TS. Phạm Hồng Long (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)- Phản biện 2; TS. Mai Lan Phương (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)- Thư ký; TS. Nguyễn Văn Lưu (Chuyên gia độc lập)- Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)- Ủy viên; và PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng (Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh)- Ủy viên.
Ngoài các thành viên Hội đồng, buổi bảo vệ còn có sự tham dự của đại diện Ban Quản lý đào tạo, TS. Nguyễn Văn Phơ - phụ trách đào tạo nghiên cứu sinh; nhóm nghiên cứu sinh hiện đang thực hiện nghiên cứu tại Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, tập thể giảng viên Bộ môn Phát triển nông thôn cùng bạn bè và người thân của nghiên cứu sinh.
Khai mạc buổi bảo vệ, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn thay mặt Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ban Quản lý đào tạo nhấn mạnh quy trình đào tạo tiến sĩ của Học viện nông nghiệp Việt Nam cũng như các hoạt động chuyên môn của nghiên cứu sinh trong quá trình thực hiện nghiên cứu đảm bảo tuân theo quy định của Nhà nước và cơ sở đào tạo. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền cũng gửi lời cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được các sự hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo của các thành viên Hội đồng trong thời gian tới.
Tại buổi bảo vệ, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS. Bùi Trọng Tiến Bảo. Tiếp đó, nghiên cứu sinh đã trình bày tóm tắt kết quả luận án.
Các kết quả nghiên cứu của luận án nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, du lịch là lĩnh vực được ưu tiên phát triển, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết TW8 của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều nơi phát triển du lịch trên thế giới cũng như ở Việt Nam là “Du lịch phát triển nóng như ngọn lửa, nó có thể giúp nấu chín bữa ăn nhưng cũng có thể đốt cháy những ngôi nhà”. Điều này có nghĩa, phát triển du lịch có thể mang lại những lợi ích về mặt kinh tế, nhưng nếu phát triển du lịch quá nhanh và nóng, chú trọng nhiều về số lượng (khách du lịch, doanh thu) mà không chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức du lịch, thì du lịch sẽ đem đến những tác động tiêu cực khôn lường về văn hóa xã hội và môi trường. Những tác động tiêu cực này đôi khi còn lớn hơn nhiều những lợi ích kinh tế mà du lịch đem lại. Để giải quyết những hạn chế này, quá trình hội nhập đã tạo ra sự liên kết giữa các địa phương, các điểm du lịch, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Hội nhập còn là cơ hội để thu hút đầu tư từ nước ngoài, thúc đẩy quảng bá du lịch trong và ngoài nước, góp mở rộng thị trường, khai thác những lợi thế về du lịch của vùng và phát triển những loại hình du lịch mới. Việc liên kết giữa các địa phương trong vùng du lịch và quốc tế có ý nghĩa quan trọng vì góp phần phát huy được các lợi thế của mỗi địa phương về tiềm năng, đồng thời khắc phục những hạn chế trong phát triển du lịch giữa các địa phương.
Sau khi nghe NCS. Bùi Trọng Tiến Bảo trình bày tóm tắt luận án, Hội đồng đã nghe ý kiến của các phản biện, ủy viên, các thành viên Hội đồng nhận xét, đặt câu hỏi cho nghiên cứu sinh, bản tổng hợp ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về bản tóm tắt và toàn văn luận án. Các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao năng lực nghiên cứu và những kết quả đạt được của nghiên cứu sinh trong thời gian qua. Kết quả của đề tài góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học về việc đánh giá phát triển du lịch Đồng Tháp Mười trong bối cảnh hội nhập.