Là người hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, ĐBQH, PGS.TS. NGUYỄN THỊ LAN, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thời gian tới Nhà nước cần có chính sách ưu tiên để ứng dụng KHCN vào trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, cần tập trung ưu tiên đầu tư giáo dục về nông nghiệp, nông thôn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Có như vậy, nền nông nghiệp nước ta mới phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Chú trọng đầu tư KHCN

- Tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, QH đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, Chính phủ cần tập trung ưu tiên triển khai nội dung gì?

Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì sẽ không có đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp. Không những là nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật và công nghệ, mà cần tạo ra những nhà lãnh đạo, quản lý nông nghiệp giỏi, chuyên sâu về nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp.

ĐBQH, PGS.TS. NGUYỄN THỊ LAN

- Trước hết, Chính phủ cần có sự chỉ đạo sát sao, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh khi triển khai chương trình nông thôn mới. Đồng thời, cần xác định rõ lợi thế và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao để ưu tiên đầu tư nguồn lực cho tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới. Về tư tưởng chỉ đạo, phải coi đổi mới KHCN là đầu tàu dẫn dắt nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại để tái cơ cấu bền vững và hướng tới nền nông nghiệp tri thức.

Ngoài các vấn đề như cơ sở hạ tầng, nguồn lực kinh tế khác thì cần chú trọng đầu tư cho KHCN phục vụ nông thôn mới, cần đặc biệt là kinh phí kịp thời, đơn giản thủ tục phê duyệt cho các chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ, sản phẩm quốc gia, nông nghiệp thông minh ứng dụng trong tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới...

- Một trong những điểm yếu hiện nay là chưa phát huy hết thế mạnh của từng chủ thể trong mối liên kết “4 nhà” trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Qua thực tiễn triển khai cho thấy, mối liên kết “4 nhà” còn thiếu chặt chẽ. Trong quá trình liên kết chưa gắn kết về mặt lợi ích cũng như cộng đồng trách nhiệm của các bên.  
Dù đã có quy định về việc ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa người sản xuất với doanh nghiệp, bên nào không thực hiện đúng, gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại; các bên ký kết hợp đồng cùng nhau thỏa thuận xử lý rủi ro do thiên tai, đột biến về giá cả và các nguyên nhân bất khả kháng khác và được Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần thiệt hại theo quy định của pháp luật; tuy nhiên, qua triển khai cho thấy, hiện chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên. Vì thế, khi có biến động về giá cả hay thị trường tiêu thụ, đã xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp cận thị trường mà dường như lại chú trọng vào phát triển sản xuất. Sản xuất nông nghiệp hiện chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, tiếp cận khoa học công nghệ còn hạn chế; năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ, nhóm, hợp tác xã còn hạn chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì khả năng sinh lời thấp, thu hồi vốn chậm, rủi ro về thị trường, về thiên tai, dịch bệnh tương đối lớn. Chính những yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cạnh tranh của nền nông nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan phát biểu tại Hội trường

Tăng cường gắn kết “4 nhà”

- Từ bất cập trong chính sách cũng như trong triển khai thực hiện, đâu là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập, thưa bà?

- Trong Nghị quyết của QH đã nêu nhiều giải pháp. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền nông nghiệp, thời gian tới Nhà nước cần phải có những chính sách ưu tiên để ứng dụng KHCN vào trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, cần có chính sách thu hút các chủ thể tham gia đầu tư vào nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm chủ lực và xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng cường gắn kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Nguồn nhân lực là một trong những khâu yếu của không riêng lĩnh vực nông nghiệp, theo bà nên tập trung vào những nội dung để tạo đột phá?

-Vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực lớn cho nông thôn, nhưng chất lượng đào tạo, tập huấn để trang bị kiến thức, thái độ, kỹ năng nghiệp vụ về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, nhất là ở các vùng kinh tế khó khăn. Chúng ta đang thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng, chuyên sâu về nông thôn mới, về nông nghiệp. Việc đào tạo còn nặng về lý thuyết, thuyết trình, nội dung chưa bao trùm hết những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho những người làm chuyên về nông thôn mới như kiến thức sâu về hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, kinh doanh, định hướng thị trường, kiến thức nông dân khởi nghiệp, công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin... Ngoài ra, đối tượng đào tạo cũng chưa đầy đủ, do vậy, cần mở rộng đối tượng đào tạo là các chủ trang trại, nông dân tiêu biểu...

Trong khi đó, các chương trình khuyến nông đã đề cập và triển khai một số mô hình, tuy nhiên vẫn thiếu các mô hình thí điểm phát triển sản xuất bền vững, có sản phẩm thương mại hóa, đặc thù cho mỗi địa phương. Hiện chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc đào tạo, xây dựng, phát triển và duy trì mô hình thí điểm bền vững. Các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng nông nghiệp chưa có được chương trình, chuyên ngành đào tạo chuyên về tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới do Chính phủ chưa thực sự đặt hàng hay giao nhiệm vụ rõ ràng.

Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công, thời gian tới cần tập trung ưu tiên cho đầu tư đào tạo, giáo dục về nông nghiệp, nông thôn, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy, nền nông nghiệp nước ta mới phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Hà An thực hiện

Theo http://www.daibieunhandan.vn